Kênh Phụ Nữ Kênh Phụ Nữ

Dịch cúm A (H7N9): 5 khuyến cáo của chuyên gia để gia đình Việt tránh nguy cơ xâm nhập

KENHPHUNU.COM  | 08:00 , 23/02/2017

Trước thông báo khẩn của Bộ Y tế về dịch cúm gia cầm, trong đó trọng tâm là dịch cúm A (H7N9) đang có diễn biến phức tạp, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã đưa ra 5 khuyến cáo cho gia đình Việt để tránh nguy cơ xâm nhập.

App hoa anh đào

Chiều ngày 20/2, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn về dịch cúm gia cầm lây truyền từ gia cầm sang người, nhấn mạnh trọng tâm là dịch cúm A (H7N9). Được biết, đây là lần thứ 5 kể từ năm 2015 tới nay, thế giới có dịch và nhận định lần này diễn biến phức tạp hơn về mặt địa lý cũng như số lượng người mắc.

Trước những diễn biến phức tạp về tình hình cúm gia cầm trên cả nước, PV đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trước diễn biến dịch cúm A (H7N9), PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khuyên các bà nội trợ không nên giết mổ gia cầm tại chợ

Ông Nguyễn Duy Thịnh khuyên các bà nội trợ không nên sử dụng gia cầm giết mổ tại chợ, gia cầm bị bệnh cũng không nên ăn.

Không nên sử dụng gia cầm giết mổ tại chợ

Chia sẻ với PV, ông Duy Thịnh cho hay: “Hiện nay, gia cầm của Việt Nam chưa có dấu hiệu bị H7N9. Nhưng có một hiện tượng gà nhập lậu bên Trung Quốc vào Việt Nam nhiều. Vì thế cần thiết phải đề phòng nếu không sẽ gây nguy hiểm cho con người”.

Ông Thịnh đưa ra lời khuyên với các bà nội trợ thời điểm này là không nên tự ý mua gà ngoài chợ về nhà giết mổ.

"Trước nay người sử dụng gà quê trên lý thuyết vẫn ổn. Nhưng hiện nay, khi di chuyển gà qua các tỉnh không thể phân biệt được gà bệnh hay không bởi vi sinh vật phát triển rất mạnh. Vì thế các gia đình cố gắng không nên sử dụng gia cầm giết mổ tại chợ nữa”.

Giết mổ gà thịt tại nhà cần làm sạch sẽ, bỏ nội tạng

Cũng theo chia sẻ của ông Thịnh, các gia đình nuôi gà tại nhà thì vẫn có thể làm thịt bình thường và ăn bình thường.

Tuy nhiên, khi giết mổ gà tại nhà, các gia đình cần xử lý lông gà, nội tạng sạch sẽ. "Lông gà, nội tạng cần phải được chôn sâu xuống đất hoặc cho vào túi bóng sạch mang để vào thùng rác. Thịt gà nên chế biến chín. Vị trí chỗ giết mổ xong cần khử trùng sạch sẽ. Tay giết mổ gà vịt xong cũng cần phải được khử trùng".

Trước diễn biến dịch cúm A (H7N9), PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khuyên các bà nội trợ không nên giết mổ gia cầm tại chợ

Sau khi giết mổ lông gà, nội tạng cần dọn dẹp sạch sẽ.

Nên cách ly trẻ em, người lớn tuổi ở khu vực giết mổ gia cầm

Bên cạnh đó, ông Duy Thịnh cho hay trong thời điểm này, khi giết mổ gia cầm các bà nội trợ phải chú ý cách ly không cho trẻ nhỏ, người lớn tuổi đứng gần khu vực giết mổ gia cầm. Bởi vì: “Không ai biết được gia cầm có khả năng lây lan như thế nào, vì virus không ai nhìn thấy bằng mắt thường được nên cần phải cẩn thận đề phòng”.

Ngoài ra, ông Thịnh cũng khuyên: “Tôi khuyên các bà nội trợ không nên mang gà giết gà ở chợ về vì như vậy vẫn có thể sẽ lan dịch, mang mầm bệnh rất nguy hiểm”.

Gia cầm đã có dấu hiệu bị bệnh, tuyệt đối không nên ăn

Tại nhiều gia đình khi gà có dấu hiệu cúm, bị bệnh nhưng vẫn tiếc rẻ làm thịt ăn vì nghĩ gà của nhà. Song ông Thịnh cho rằng, với tình hình thực tiễn hiện nay dịch cúm A (H7N9) đang có dấu hiệu lây sang người nên các gia đình tuyệt đối không nên ăn vì nếu ăn bị mắc bệnh thì khổ sở và nguy hiểm cho cả gia đình.

Ngay khi phát hiện gia cầm của gia đình có dấu hiệu bị bệnh, bà nội trợ cần phải báo cho các cơ quan thú y để xem có mắc cúm A (H7N9) hay không. 

Dịch cúm A (H7N9): 5 khuyến cáo của chuyên gia để gia đình Việt tránh nguy cơ xâm nhập

Các gia đình thường xuyên theo dõi thông tin để biết cách ngăn chặn dịch bệnh lây lan

Để có những biện pháp phòng bệnh cúm A (H7N9) tốt nhất cho bản thân, gia đình, khu phố đang ở, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội khuyến cáo, các gia đình và mỗi người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông.

Bên cạnh đó, cập nhật chỉ đạo từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Y tế để nhằm ngăn chặn dịch phát triển, lây lan.

Thanh Hoa

Nguồn: emdep

CHIA SẺ BÀI NÀY
  • tag
BÌNH LUẬN
chuyen muc lam dep
video lam dep