Kênh Phụ Nữ Kênh Phụ Nữ

Dở khóc dở cười chuyện chị em "bất khả kháng" đi đẻ đúng dịp Tết Nguyên Đán

KENHPHUNU.COM  | 10:00 , 23/01/2017

Dù đã có ngày dự sinh từ trước, nhưng phải nhập viện sinh vào đúng ngày Tết Nguyên Đán, các bà đẻ này vẫn thấy chạnh lòng khủng khiếp vì bệnh viện vắng hoe, lại không được nhận lì xì, không được mặc đi chơi và ăn uống kiêng khem...

App hoa anh đào

Chị Huyền, 27 tuổi đang không khỏi chạnh lòng khi nhớ tới những ngày Tết năm trước. Trước đó, chị được bác sĩ dự sinh đúng vào 30 Tết. Chị còn nghĩ, thể nào cũng sinh trước hoặc sinh sau vài ngày. Và khi con yêu chào đời đúng vào năm mới, con sẽ tha hồ mà nhận lì xì. Vậy nhưng thực tế lại trái ngược hẳn với những gì chị Huyền nghĩ.

Chiều 30 Tết, vợ chồng chị Huyền vẫn còn đủng đỉnh về ăn bữa cơm tất niên cùng ông bà ngoại. Nhưng từ khi 2 vợ chồng về nhà riêng để đón giao thừa, chị Huyền lại thấy bắt đầu bị đau bụng và đau lưng quá. Nhưng chị Huyền chưa thấy có dấu hiệu trở dạ sinh nên cũng yên tâm lên giường ngủ.

"Đến 23h đêm thì mình đau bụng quá thể, kiểu đau từng cơn qua rất nhanh. Chồng mình cứ giục đưa vợ đến viện nhưng mình cứ bảo chưa có dấu hiệu gì sinh nên dù đau liên tục nhưng cứ tặc lưỡi cố gắng ngủ, sớm mai dậy sẽ vào viện khám", chị Huyền cười tươi nhớ lại.

Dở khóc dở cười chuyện chị em bất khả kháng đi đẻ đúng dịp Tết Nguyên Đán

Cơn đau đẻ tới, nhiều chị em vội vã nhập viện ngay đêm giao thừa. Ảnh minh họa.

Nhưng rồi, cơn đau mỗi lúc một đến mau hơn,chồng chị Huyền quyết định đưa vợ vào viện sớm vì sợ đẻ rơi ở nhà đêm giao thừa trong khi chị Huyền vẫn khẳng định chắc nịch: "Vào viện rồi còn lâu mới sinh cho xem".

“Lúc ấy chỉ còn 40 phút nữa là giao thừa. Vậy là chồng vội vàng gọi taxi vào viện. Cũng may nhà mình ở phố nên khá gọi taxi giờ đó vẫn khá thuận lợi. Với lại lúc ấy chưa giao thừa nên người đi ngoài phố đông lắm. Nhà mình chỉ cách viện 2 km nên đến viện khá nhanh. Chồng mình thì vừa ngồi trên xe vừa cuống cuồng gọi điện cho bác sĩ sản mình đang theo và bà ngoại vào viện gấp”, chị Huyền kể.

Vào viện đêm giao thừa, cũng may bác sĩ quen thân từ trước có mặt nên việc thăm khám diễn ra bình thường: "Vào đến viện thì mình cũng đau lắm rồi. Lúc đó vào khám, mình đã mở 7 phân. Thế là bác sĩ bắt lên bàn đẻ luôn. Rồi cơn đau đẻ cuống quýt khiến mình cũng chẳng biết bản thân lúc đó thế nào. Chỉ biết rặn đẻ theo sự chỉ bảo của bác sĩ".

“Mình sinh xong đúng lúc năm mới đã sang được 30 phút. Cả phòng sinh lúc đó chỉ có mỗi bác sĩ, 2 y tá, vợ chồng mình cùng bà ngoại. Khi đưa 2 mẹ và con về đến phòng nằm, mình vẫn còn nghe thấy tiếng pháo nổ đì đùng. Ngoài đường những người đi chơi năm mới cũng đông nghẹt đường về nhà. Bác sĩ, y tá ai cũng chúc mừng mình mẹ tròn con vuông thời khắc ngày đầu năm mới", bà mẹ này hân hoan nhớ lại.

Sinh con đúng thời khắc giao thừa nên bà mẹ 1 con này vẫn nhớ như in: "Con trai mới sinh bé xíu mà đã biết giật mình thon thót và khóc oe oe vì tiếng pháo nổ, tiếng ô tô chạy rầm rầm. Điều này khiến các cô y tá lo sợ phải bế con về phòng”.

Người phụ nữ này cũng kể thêm: “Sinh con năm mới ai cũng bảo sẽ tốt cho con nhưng sinh con vào dịp Tết buồn lắm, nhất là 2 ngày ở viện chẳng có ai ngoài bà ngoại chạy đi chạy lại. Bệnh viện thì đìu hiu vắng vẻ, các bác sĩ và y tá thì rất ít đáo qua đáo lại như ngày thường. Các anh chị em trong nhà cũng không ai đến chơi vì chắc họ kiêng đến thăm bà đẻ năm mới”.

Ngay cả khi về nhà rồi, bà đẻ như chị Huyền vẫn phải nằm cùng con ở tịt trong phòng: “Bố mẹ mình luôn miệng dặn dò mình không được xuống phòng khách. Phần vì mới sinh không được đi lại nhiều, phần vì kiêng cho khách đến chơi nhà ngày Tết. Nói chung, mọi thứ đều phải kiêng khem và không có chuyện thu hoạch lì xì đâu. Ngược lại, Tết năm trước là năm thất thu của mẹ con mình mới đúng vì dịp Tết có ai đi thăm bà đẻ đâu”.

Cũng là một bà bầu phải "bất khả kháng" đi đến viện sinh vào ngày mùng 2 Tết nhưng chị Ngân Hạnh (Hà Đông, Hà Nội) lại trong tâm trạng hoàn toàn khác.

“Ngày mùng 2 Tết mình đang ở nhà ăn uống thì bắt đầu đau bụng và có dấu hiệu sinh. Cũng may lúc ấy, anh chồng vẫn ở nhà chưa đi chúc Tết nên mẹ chồng cập rập bảo anh chở vợ chồng mình, mẹ chồng và chị dâu vào viện. Vào viện ngày mùng 2 Tết, bệnh viện lại vắng hoe nhưng do mẹ chồng liên lạc tốt với bác sĩ nên khi vào viện thì bác sĩ cũng có mặt”.

Theo chị Hạnh kể, dù có ít bác sĩ và y tá trực ngày Tết nhưng do không có ai đi đẻ nên bà đẻ này được các bác sĩ và y tá rất quan tâm. Đặc biệt, người vui nhất là ông xã của chị Hạnh được bác sĩ tạo điều kiện cho vào tận phòng đẻ để nhìn vợ "vượt cạn".

Dở khóc dở cười chuyện chị em bất khả kháng đi đẻ đúng dịp Tết Nguyên Đán

Đi đẻ ngày Tết luôn là một kỷ niệm đặc biệt đối với các phụ nữ. Ảnh minh họa.

“Mình đi đẻ cũng buồn cười lắm. Trong khi mình thì đau đẻ điếng cả người thì chồng cứ đứng bên cạnh ngây thơ hỏi mẹ chồng và bác sĩ kiểu như: “Mẹ ơi, bác sĩ ơi, cái tử cung của vợ em nó mở ra rồi thì nó có đóng vào nữa không?”. Hoặc: “Bác sĩ ơi, đỡ con em nhẹ tay thôi nhé không con em đau”… Những câu nói hồn nhiên ấy của chồng mình khiến bác sĩ và mọi người trong phòng đẻ cười sặc sụa”, chị Ngân nhớ lại.

“Sinh con ngày mùng 2 Tết trong bệnh viện vắng vẻ, không chút xô bồ, ồn ào. Do đó, mình nằm tại đây và người nhà vào chăm cũng cực kỳ thoải mái. Nhưng người vui nhất là anh xã mình. Anh bảo đẻ con vào dịp Tết xem ra thiên thời, địa lợi, nhân hòa quá vì anh có nhiều thời gian chăm sóc vợ con”, bà mẹ này kể.

Dù thế, bà mẹ này cũng phải thừa nhận: “Đi đẻ ngày Tết chỉ ghét nhất sau khi về nhà ở không được diện quần áo đẹp tung tăng đi chơi xuân như nhiều phụ nữ khác. Rồi có những hôm, trong mâm cỗ Tết bày ra bao đồ ăn ngon mà không được ăn vì phải kiêng khem. Có lúc mình cầu xin cả nhà cho mình ăn bò khô, ăn kiệu, thịt trâu gác bếp... mà nhất định không ai cho ăn dù chỉ 1 ít. Nhìn cả nhà ăn các món Tết mà mình thèm nhỏ dãi nhưng vẫn phải thầm nhủ cố gắng kiêng khem vì con yêu”.

Thanh Hà

Nguồn: emdep

CHIA SẺ BÀI NÀY
BÌNH LUẬN
chuyen muc lam dep
video lam dep