Kênh Phụ Nữ Kênh Phụ Nữ

Đừng quá nhịn nhục trước mẹ chồng xấu tính!

KENHPHUNU.COM  | 12:00 , 16/07/2015

Mẹ chồng là người sinh ra chồng bạn, đương nhiên bạn phải thật lòng kính trọng và đối đãi cho đúng mực, hiếu thuận như mẹ đẻ. Chuyện này, từ khi mới 14,15 tuổi tôi đã được cha mẹ nhắc đi nhắc lại nhiều lần.Thế nhưng tôi lại không may gặp phải một người mẹ chồng xấu tính đến mức vô lý.

App hoa anh đào

Mẹ chồng là người sinh ra chồng bạn, đương nhiên bạn phải thật lòng kính trọng và đối đãi cho đúng mực, hiếu thuận như mẹ đẻ. Chuyện này, từ khi mới 14,15 tuổi tôi đã được cha mẹ nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tất nhiên tôi cũng ghi lòng tạc dạ điều mẹ dạy, lúc đi lấy chồng cũng nhắc đi nhắc lại lời căn dặn ấy, những mong sẽ được mẹ chồng cảm thông và coi như đứa con đứa cháu ruột trong nhà. Thế nhưng thực tế phũ phàng, tôi không may mắn có được người mẹ chồng tâm lý, rộng lượng như một số nàng dâu khác. Trái lại, bà là một người mẹ chồng xấu tính đến mức vô lý.

Nói ra thì mang tội kể xấu người bề trên, nhưng mẹ chồng tôi chuyện lớn chuyện bé nhất nhất đều phải theo ý mình. Cả nhà đi ăn sáng, bà gọi món luôn cho tất cả theo món nào bà thích. Hồi mới về nhà tôi không biết, vô tư bảo con không thích ăn món đấy, bà nhìn tôi khó chịu ra mặt làm tôi lo sợ cả buổi. Cái gì bà làm, bà nói cũng phải hay và đẹp hơn người khác. Món ăn bà nấu ra chỉ có ngon nhất, không ai nấu ngon hơn kể cả nhà hàng. Quần áo bà chọn chỉ có đẹp nhất, chuẩn nhất phố. Bà không chịu được ai hơn bà cái gì, cho dù là hàng xóm, bạn thân hay kể cả anh chị em trong nhà cũng thế. Có lần trong đám giỗ ông nội chồng tôi, một người khách hỏi bố đẻ tôi làm giám đốc công ty sản xuất đồ chơi trẻ em đúng không, bố tôi chưa kịp đáp thì mẹ chồng vội xen vào: “À, ông ấy có cái xưởng sản xuất nhỏ thôi ấy mà”. Người hàng xóm khen đồng nghiệp cũ của mẹ chồng tôi (cũng đến dự tiệc) có nước da trắng mịn chẳng thấy nếp nhăn, bà liền phang luôn không ngần ngại: “Bà ấy đầu tư tiền triệu cho kem dưỡng các loại đấy chứ chẳng phải tự nhiên mà được thế đâu!”.

Anh chị em họ của bà đến nhà chơi, trước mặt thì bà vồn vã nhiệt tình đến mức mọi người cảm thấy ngại, nhưng vừa vào trong bếp bà nói nhỏ: “Khách với chả khứa, mất thời gian!”. Còn với tôi thì khỏi nói, bà luôn mồm nói rằng coi tôi như con đẻ, như con gái ruột của bà, nhưng sao tôi thấy cách đối xử của bà với tôi và chị chồng tôi lại một trời một vực như vậy? Chị chồng tôi sinh, bà nhất quyết bắt về nhà để bà trông nom cho chu đáo (mà thực ra toàn là tôi phục dịch, bà chỉ đảo qua đảo lại chỉ tay bắt làm cái này cái kia và nhìn xem cháu mình thế nào thôi). Đến khi tôi sinh đứa đầu lòng, bà khăng khăng bắt tôi ở lại nhà chồng với lý do “con mà về bên ấy người ta lại chửi vào mặt bố mẹ là không chăm nổi con dâu”. Kết quả, đêm đêm tôi một mình thức trông con, dỗ con vì bà không cho chồng tôi nằm cùng giường gái đẻ sợ xui, còn bà vì khó ngủ nên cũng phải lánh ra chỗ khác. Chưa được nửa tháng tôi đã tự mình giặt đồ phơi đồ vì bà đau nhức người khi dầm nước lâu. Giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn đến chảy nước mắt. Chuyện cơ bản còn thế nói gì đến rượu gừng rượu nghệ với cả chườm muối hơ than này khác.

Nhiều ngày sống chung, tôi nhận ra mẹ chồng mình là một người rất hơn thua, giả tạo và ích kỷ. Ban đầu tôi vẫn phớt điếc, vẫn một dạ hai vâng và lặng lẽ làm mọi việc theo ý của bà. Nhưng đến một ngày khi bà ngăn cản tôi đưa con về thăm ông bà ngoại với lý do “sao tháng nào cũng thấy về thế, cháu ngoại là cháu người ta cơ mà nhỉ!” thì tôi quyết định không thể cứ nhịn nhục mãi. Ngày hôm ấy, tôi vẫn đưa con đi sau khi chào hỏi bố mẹ chồng. Hôm sau khi tôi về, không khí gia đình như có tang, tôi chào mẹ chồng không thưa, bố chồng thì kiểu muốn tỏ ra bình thường nhưng lại sợ vợ.

Tôi vẫn mặc kệ, không để điều đó làm mình sợ hãi như lúc trước. Tôi vẫn dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, chợ búa cơm nước đúng bổn phận, vẫn nói những câu cần thiết nhưng tuyệt đối không để tâm trạng bị ảnh hưởng từ thái độ bực tức ra mặt của mẹ chồng. Đến bữa tôi mời ông bà xuống ăn, bà không trả lời, tôi bảo con phần bà dưới bếp, con xin phép đi làm kẻo muộn. Cứ thế, tôi vẫn tận tụy việc nhà, vẫn cư xử lễ phép với ông bà và vui vẻ với chồng con như không có chuyện gì. Được vài ngày, không hiểu có ai tác động không mà bà bình thường lại như trước.

Lần khác, bà chê món ăn tôi nấu sao mà khó nuốt (trong khi bố chồng và chồng tôi đều khen ngon), tôi không hậm hực gì cả, chỉ vui vẻ nhờ bà chỉ cách nấu sao cho đúng. Mấy bữa sau tôi nấu theo đúng cách bà chỉ, bố chồng và chồng tôi hầu như không động đũa. Vì món ăn là do tôi nấu nên họ không cần giả vờ tỏ ra thích thú làm gì khi không vừa miệng. Sau bữa hôm ấy, mẹ chồng hạn chế việc chê bai món ăn do tôi nấu hẳn.

Có lần gặp một bác hàng xóm, tôi được nhắc là cố gắng thu xếp công việc để đi làm về sớm một chút chứ mẹ chồng ở nhà phải lo tất tật việc nhà thấy dạo này yếu lắm. Tôi ngẫm lại, tuy tôi có đi làm về hơi muộn nhưng việc giặt giũ (bằng máy giặt), phơi phóng, là ủi, lau dọn nhà cửa, rửa dọn bát đĩa, đi chợ và nấu ăn sáng vẫn là tôi làm cả mà. Ngoài việc nấu hai bữa trưa tối vào các ngày tôi đi làm và thức ăn tôi đã sơ chế rửa ướp xong hết, bà có phải làm gì khác đâu. Tối hôm ấy trong bữa cơm, tôi hỏi thăm sức khỏe mẹ chồng, bà bảo vẫn bình thường.

Tôi mới nhẹ nhàng bảo: “Chắc bà đau ốm mà giấu chúng con, nãy con gặp bác Thu hàng xóm, bác ấy trách con toàn đi làm về muộn để bà làm hết mọi việc nên đau nhức trong người. Có gì bà nói cho tụi con biết để còn đưa bà đi khám rồi làm bớt việc nhà cho bà nữa”. Đến lúc ấy có lẽ bố chồng tôi thấy quá đáng quá nên lên tiếng: “Bà ở nhà cả ngày giúp cho con nó được hai bữa cơm, còn đâu toàn sang hàng xóm ngồi lê đôi mách, sao lại nói như thế để người ta hiểu sai về nhà mình?” Mẹ chồng tôi giận tím mặt, nhưng vì bố chồng tôi nói chẳng sai chữ nào nên không thể bắt bẻ gì. Chiêu tỏ ra hậm hực nói chuyện khó nghe của bà mỗi khi giận dỗi, tôi cũng đã “miễn nhiễm” từ lâu. Mình không làm sai, sao cứ phải co ro sợ sệt?

Đến lúc tôi sinh đứa thứ hai, bà vẫn tiếp tục luận điệu cũ, giữ tôi lại nhà chồng. Trước cả nhà và cả chị chồng tôi hôm ấy đến chơi, tôi thủng thẳng bảo: “Con xin lỗi nếu nói gì khiến bà phật ý, nhưng lần này con sẽ về bên nhà đẻ sinh. Người phụ nữ cả đời có lúc vượt cạn là yếu đuối nhất, con muốn mình có sự trợ giúp đầy đủ cả về tinh thần lẫn sức lực. Người ta về nhà mẹ đẻ sinh con là chuyện bình thường, chẳng ai lên án. Như chị Hạnh nhà mình lúc sinh cũng về nhà đẻ đấy thôi ạ? Con ở lại lúc đêm hôm không ai phụ trông con, lúc mệt mỏi không ai trợ giúp, nước nôi không kiêng cữ được lâu, con sợ mình không đủ sức khỏe để lo cho chúng nó sau này”. Khi ấy tôi nói mà phải cố kìm lại để không rơi nước mắt. Chị chồng khẽ nhìn tôi thông cảm, chồng tôi thì lập tức bảo tôi cứ làm gì thấy thoải mái là được. Còn mẹ chồng nghĩ gì, thú thật, tôi chẳng quan tâm nữa rồi.

Đến giờ, hai đứa con tôi đã lớn, mỗi tháng tôi đều đặn đưa hai cháu về thăm ông bà ngoại một lần, miễn là không trúng vào lúc nhà chồng có công chuyện, còn lại tôi không bận tâm mẹ chồng nghĩ thế nào. Bởi vì chúng nó có ở nhà, bà cũng đâu mấy khi chơi cùng mà giữ? Tôi nghiệm ra một điều, mềm nắn rắn buông, mình càng co ro sợ sệt chỉ càng làm cho người khác được thể đè nén. Là con dâu, cãi cọ to tiếng với mẹ chồng là điều tối kỵ, nhưng đôi khi cũng cần dũng cảm và mềm dẻo để thể hiện chính kiến của mình. Nếu không, bạn sẽ mãi sống ở nhà chồng trong thân phận con sâu cái kiến.

Nguồn: xinhxinh

CHIA SẺ BÀI NÀY
  • tag
BÌNH LUẬN
chuyen muc lam dep
video lam dep