Kênh Phụ Nữ Kênh Phụ Nữ

Nhật ký hôn nhân của em (14)

KENHPHUNU.COM  | 21:00 , 10/05/2015
Nhật ký hôn nhân của em (14)

Mẹ về nằm viện gần 1 tháng thì mẹ về nhà. Mẹ bảo xa nhà lâu thấy nhớ nhà quá. Ấy vậy mà mẹ về mới được mấy hôm thì ba không giấu nổi mẹ nữa, ba đành phải nói là mẹ bị u ác tính rồi để mẹ còn xuống K xạ trị.

App hoa anh đào

Lại một lần nữa ba gác công việc đưa mẹ đi mổ. Lần này mổ ở Việt Đức vì ba ghét cái ông bác sĩ lần trước mổ cho mẹ cứ khẳng định là mẹ sẽ sống thật lâu. Cũng như lần trước, lần này em cũng chả đi theo mẹ được. Nhím còn bé quá, vẫn bú mẹ, ăn bột thì chỉ mẹ mới cho ăn được, vừa ăn vừa khóc. Quả thật đến lúc đó mới thấy con bé lười ăn kinh khủng. Tới bữa ăn thì hết ông gõ trống, bà hát, ba làm trò, mẹ dỗ dành mà nó có chịu há miệng ra mà ăn đâu. Mỗi bữa mất hàng tiếng đồng hồ. Đã vậy lắm lúc vừa cho ăn xong thì nôn cái hết luôn. Trong thấy thế mà tức con đến phát khóc lên được. 

Lần này mẹ có kinh nghiêm từ lần mổ trước nên mẹ cũng không lo lắng nhiều, mẹ chỉ hơi buồn vì số mẹ vất vả quá, đến lúc già còn phải vất vả, bắt tội chồng con. Đời mẹ chưa được 1 ngày sung sướng. Thủa nhỏ ở với ông bà thì vất vả quanh năm, ông ngoại tốt tính nhưng hay uống rượu, chỉ là bần cố nông, có lúc điên lên xé hết sách vở, bắt mẹ nghỉ học ở nhà làm ruộng. Đến lúc yêu ba thì ba vốn là một người có thành tích bất hảo, hay đánh nhau nên chả được ai đồng ý. Rồi ba đi chiến trường Miền Nam đằng đẵng 12 năm trời, mẹ vẫn 1 lòng chờ ba dù thiên hạ người ta bàn tán nói ra nói vào. Ba mẹ lấy nhau 2 bàn tay trắng, trong nhà chỉ có mỗi 1 cái giường đơn của cơ quan cho, 1 cái mâm, 1 cái nồi, 2 cái bát. Lương giáo viên và nhân viên thời bao cấp chả đủ nuôi miệng người, ba mẹ vất vả ngược xuôi đạp xe đạp đi giao bánh kẹo khắp nơi.

Tuy hồi trẻ ba nghịch ngợm có tiếng nhưng có gia đình rồi thì đó là người đàn ông hết lòng vì vợ vì con. Ba cũng khéo tay không ngại khó ngại khổ. Ba mẹ sống với nhau nghèo khó nhưng thuận hòa. Mãi mới được một bà cô bán cho một mảnh đất, vừa ở vừa trả nợ, vừa phải nuôi bà ý. Nhà gần ruộng, trưa trưa, chiều chiều ba mẹ lại kéo đất ruộng về đóng gạch, rồi tự nung gạch, tự 2 vc xây lấy cái nhà. Có một căn nhà 1 tầng mà xây gần 3 năm mới xong bởi cứ kiếm được tiền mua xi măng vôi vữa đến đâu thì xây đến đấy, xây hết lại để đó đi kiếm tiền tiếp. Trong trí nhớ của em vẫn còn nhớ hình ảnh đêm đêm mẹ đánh vữa rồi chuyển lên cho ba, còn em và thằng Hưng thì lẩn thẩn chơi với nhau, có lúc còn ngủ quên dưới gốc cây cam, mẹ nhớ đến thì muỗi đã đót cho khắp người. Đến bây giờ, con cái tạm thời trưởng thành, tiền nong cũng không phải quá lo kiếm chác thì mẹ lại bị bệnh nan y. Đời mẹ như thế đúng là quá khổ.

Ngày mẹ mổ em nào có xuống được, chỉ có chàng xin nghỉ việc mấy ngày xuống chăm mẹ cùng ba. Thằng Hưng cũng vất vả, vừa học vừa chạy qua trông mẹ, đời nó cũng chả lấy gì làm may mắn hết. Nghĩ thương mẹ, thương ba, thương em vô hạn mà lại tự giận bản thân vô cùng vì chả giúp được gì. Những ngày đó em thường khóc suốt, nhiều lúc chỉ có 2 mẹ con lại ôm con khóc. Thương con quá, bà thế này biết sống được bao lâu nữa. Có khi rồi con sẽ chẳng có chút kí ức gì về bà ngoại khi lớn lên đâu. Cứ nghĩ đến mẹ là thấy chả thiết tha gì đến ăn với uống, đêm ngủ cũng chẳng yên, lắm lúc thức gần trắng đêm. Khổ thân con bé, nó cũng biết là mẹ buồn hay sao mà nó cũng ngoan không quấy mẹ, chỉ có lúc nào trông thấy mẹ khóc thì sẽ khóc theo. Vì thế mà em cũng chả dám khóc trước mặt con nữa. Con thì lười ăn bột, uống sữa ngoài thì toàn nhè mà em cứ buồn rầu mãi nên sữa cũng ít đi nhiều. Nhìn đến con lại thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm người mẹ, lại cố gắng nuốt cơm, mua cốm lợi sữa về uống. Lúc này em chỉ có mỗi một nhiệm vụ là chăm cho con khỏe mạnh, mau lớn. Trước khi ba mẹ đi đã dặn đi dặn lại là phải chăm con cho tốt, ba mẹ rất yêu nó, đừng để nó làm sao thì ba mẹ thêm lo. Em không được phép để cho mình quá suy sụp, dù sao em cũng là con gái cả trong nhà, mọi việc sau này em có trách nhiệm rất lớn. Em Hưng còn non dại quá, người yêu còn chưa có, hơn nữa nó sống còn tình cảm hơn em. Nếu mẹ có làm sao thì em nhất quyết phải vững vàng, phải là chỗ dựa cho ba và em nữa chứ.

Lần này mẹ mổ cũng không để lại biến chứng nào. Chàng kể là đến ngày thứ 2 sau mổ mẹ đã đòi dậy đi lại rồi, đòi ăn cơm hệt như lần 1. Bác sĩ bảo lần đầu đã là một chuyện hiếm thì lần này nên gọi là kì tích mới đúng, có lẽ là tại mẹ có mưu cầu sống lớn quá nên mới được như thế chăng. Cả nhà vừa mừng khi thấy mẹ như thế nhưng lại cũng lo lắng vô cùng. Kết quả sinh thiết khối u lần này đã xác định mẹ bị ung thư ở giai đoạn 3 rồi, mà cái đó càng động dao kéo vào càng phát triển nhanh. Như vậy là thần chết đã đến rập rình ngoài ngõ rồi. Dù biết thế, buồn lắm nhưng cả nhà thống nhất dấu mẹ rằng mẹ đã bị ung thư. Mẹ là người có nghị lực phi thường, luôn lạc quan tin tưởng, không được dập tắt hi vọng của mẹ. Mẹ còn tin tưởng thì mẹ sẽ còn sức mạnh để chống chọi với bệnh tật.

Lần này mẹ nằm viện 108 em không xuống được, chị gái mẹ em xuống chăm mẹ thời gian hậu phẫu. Được gần 10 ngày thì mẹ được chuyển về bệnh viện TN, lại nằm ở nội 4. Em bế con đi bộ từ nhà lên thăm mẹ. lần mổ này khiến sức khỏe mẹ suy sụp đi rất nhiều, mỗi lần mẹ cố ngồi dậy là lại choáng váng mặt mày, đầu đau kinh khủng nhưng mẹ vẫn cứ cố, đau đến nỗi mồ hôi túa ra đầm đìa mà mẹ vẫn không rên rỉ tiếng nào. Nhìn thấy cháu mẹ vui lắm nhưng cứ bảo là mang cháu vào ít thôi, bệnh viện đủ các thứ bệnh sợ nhỡ cháu bị lây thì khổ. Vì thế ngày ngày cứ cho con ăn xong là em để nó ở nhà với bà nội, em lên viện chăm mẹ. Ngày ngày lại tỉ mẩn chụp ảnh, quay phim về cháu để mang lên viện cho mẹ xem, vì mỗi lần được ngắm cháu là mẹ lại cười. Tối tối 2 vc ăn cơm xong là bế con lên viện với mẹ, dù sao khoa nội 4 cũng là khoa nghỉ dưỡng của cán bộ, bệnh toàn bệnh nhẹ nên cũng không đáng lo lắm, cả khoa chỉ có duy nhất mẹ là bệnh nhân nặng thôi.

Mẹ về nằm viện gần 1 tháng thì mẹ về nhà. Mẹ bảo xa nhà lâu thấy nhớ nhà quá. Ấy vậy mà mẹ về mới được mấy hôm thì ba không giấu nổi mẹ nữa, ba đành phải nói là mẹ bị u ác tính rồi để mẹ còn xuống K xạ trị. Mẹ đã mổ 2 lần, bác sĩ nói là không thể mổ thêm. Hơn nữa đã ác tính rồi thì chỉ còn cách xạ trị mà thôi. Mẹ tiếp nhận cái tin ấy vô cùng bình tĩnh, cứ như thể mẹ đã biết trước vậy. Mẹ đồng ý đi xạ trị vì mẹ bảo dù còn 1 tia hi vọng mẹ cũng không bỏ qua, mẹ không ham sống sợ chết nhưng mẹ muốn được ở bên cạnh chồng con và cháu càng lâu càng tốt vì mẹ biết đối với gia đình mẹ có vai trò lớn lao đến thế nào.

Trước ngày mẹ đi, em đi chợ mua cho mẹ mấy bộ quần áo ở nhà rộng rãi, vật dụng cá nhân cần thiết, rồi gói ghém hành lí cho mẹ. Mẹ ở gần em còn qua lại chăm sóc được, lần này mẹ đi xạ rất lâu, biết đến bao giờ em mới được gặp lại đây. Cứ nghĩ thế là lòng chỉ muốn khóc nhưng trước mặt mẹ em không được khóc, không được để mẹ thấy em lo lắng đến nhường nào. Chàng biếu mẹ ít tiền để mẹ ở dưới viện thích ăn gì thì cứ bảo em Hưng mua cho. Chàng thuê 1 chuyến xe để đưa mẹ đi. Vợ chồng em chỉ có thể làm được đến thế cho mẹ, thương mẹ vô cùng mà chẳng thể đi theo mẹ hầu hạ được. Mẹ bảo ai cũng có thể trông mẹ được nhưng con em thì chỉ có em trông được thôi, đừng để cháu còn nhỏ thế mà đã thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ, như thế thì tôi của bà rất lớn. Mẹ đã nói vậy thì em cũng đành gạt nước mắt tiễn mẹ đi thôi.

Viện K là một viện cũ chật chội và vô cùng đông đúc. Nhờ quen biết và cũng nhờ sức mạnh của đồng tiền, mẹ được ở trong một cái kho để đồ của người ta, chỉ rộng có 12m2 nhưng lỉnh kỉnh đồ đạc, và kê được 2 cái giường 80cm, không có cửa sổ mà chỉ có mấy cái ô thoáng bé tí teo, một căn phòng tồi tàn như thế mà mỗi ngày giá cũng hết 180 ngàn. Dù sao so với những người nằm la liệt ngoài hành lang bệnh viện thì như thế cũng vẫn còn là hạnh phúc chán. Người ta bảo là mẹ phải xạ 64 mũi tất cả, liệu trình là 32 ngày trừ ngày thứ 7, chủ nhật và ngày lễ. Nếu sức khỏe tốt và bệnh nhân có thể chịu đừng được thì xạ liên tục đến hết, còn không thì cứ xạ đến lúc nào không chịu được thì lại ngừng.

Đợt đó em Hưng không phải học nhiều nữa, em nó chuyển vào ở chung với mẹ, chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp thạc sĩ. Ngày ngày em lo cơm nước, giặt giũ và đưa mẹ đi xạ. Nghĩ cũng khổ thân thằng bé, bình thường có biết làm gì đâu, vậy mà lúc này nhà chẳng có ai, ba và các anh thì bận việc, em và chị Bắc đều đang nuôi con nhỏ nên nó cũng đành quán xuyến mọi việc. Mẹ biết mình bị bệnh nan y, hơn nữa khối u bắt đầu di căn nên đau đớn vô cùng, mỗi lần xạ về lại nôn nao mệt mỏi thêm nên dù mẹ rất cố gắng cũng không tránh khỏi những lúc bực tức. Thằng bé làm cái gì cũng lóng ngóng, thi thoảng lại bị mẹ mắng cho mà nó cũng cứ lặng lẽ mà làm. Mẹ vẫn bảo may mà nó thuần tính hơn em nên nó không cãi, chứ nếu là em thì thế nào cũng nhảy cồ cồ lên mà cãi rồi, cùng là cha mẹ sinh ra mà sao mỗi đứa mỗi tính.

Sức khỏe mẹ mỗi lần xạ về suy giảm khá nhanh, nhưng mẹ bắt thằng Hưng phải giấu không được cho ai biết, mẹ bảo mẹ sẽ cố chịu đựng để xạ cho hết 64 mũi rồi mẹ về luôn, chứ mẹ sợ mỗi lần đi xạ lại thêm một lần vất vả tốn kém cho gia đình. Mỗi lần ba hay em gọi điện xuống mẹ đều bảo mẹ vẫn khỏe, vẫn còn chịu đựng được. Thứ 7, chủ nhật nào ba cũng xuống, ba cũng biết là mẹ yếu đi nhiều, mẹ chỉ cố nói cứng thế thôi. Lần nào về lại trên nhà ba cũng khóc vì thương mẹ. Trông ba già đi rất nhanh, tóc bạc đi rất nhiều. Ba thương mẹ nên đêm ngủ cũng rất ít, ăn cũng không thấy ngon miệng. Ba bảo bây giờ ba chỉ có mỗi cái Đan Linh để còn thấy vui sống thôi nên ngày nào ba cũng rẽ vào chơi với nó đến mấy lần, tối tối 2vc em lại đưa con sang chơi với ba cho ba đỡ buồn. 

Nghĩ mà thương con đứt ruột, còn bé thế mà suốt ngày bị ba mẹ tha lôi đi như mèo tha chuột, trời mưa gió hay lạnh lẽo cũng đều có mặt để đi. Em bảo với chàng hay là cố mà mua lấy cái xe oto tầm tầm mà đi để con nó cũng đỡ gió máy nhưng chàng bảo mẹ bệnh thế không biết thế nào, sợ sau này còn tốn kém nhiều thì chỗ tiền đó còn phải để đề phòng, hơn nữa mẹ đang ốm đau cũng không nên mua làm gì cả, người ngoài nhìn vào lại đánh giá con cái chỉ biết ăn chơi mà không biết thương mẹ. Vì vậy kế hoạch mua xe bị hoãn lại vô thời hạn.

Trộm vía con bé cũng thuộc dạng khỏe, thỉnh thoảng mới sụt sịt vài hôm rồi lại ăn chơi như thường. Có lẽ vì nó dạn dày sương gió từ bé nên cơ thể nó cũng thích nghi. Đúng là con người ta, vứt vào hoàn cảnh nào thì phải tìm cách mà thích ứng với hoàn cảnh ấy. Nhìn thấy con còn bé thế mà đã biết cố gắng thì phận làm mẹ như em há chẳng cố gắng được sao?

Một buổi chiều đi làm về, chàng mang lên phòng tặng em 1 bó hoa và 1 hộp quà. Quá ngạc nhiên, em hỏi:

- Hôm nay là ngày gì mà em có quà thế này?
- Chết thật - chàng lắc đầu - vợ mình chưa già mà đã lẫn rồi.

Chà chà, hôm nay là ngày gì vậy ta? Valentine thì qua rồi. Ngày cưới à? Đã đến đâu nhỉ. Thôi chết là ngày 8/3. Dạo này cứ ru rú ở nhà với con, lại lo nghĩ cho mẹ nên chả còn nhớ gì đến ngày đến tháng ữa. Quên béng chuyện mua quà tặng mẹ rồi.

- Chết em rồi, em quên mất. Chưa mua quà cho mẹ rồi.
- Yên tâm, mẹ Hòa anh đã gửi điện hoa, mẹ Liên anh mua hoa tặng rồi.

May quá, chàng chu đáo thật. Để xem chàng mua gì tặng mình nào? Hóa ra là 1 bộ quần áo, thử ngay mới được. Chà chà, vừa in mới lạ chứ.

- Anh giỏi quá, mua vừa in đây này - em khen. À mà sao có tên nào trước kia toàn bảo anh chỉ mua hoa thôi còn em thích gì anh đưa tiền tự đi mà mua ấy nhỉ? - em trêu - dạo này có tiến bộ rồi à?
- Thì ở với sư phụ học trò cũng phải khá lên chứ, phải không sư phụ shopping? - chàng cười
- Dĩ nhiên rồi - em cười hớn hở - Công nhận bộ quần áo này vừa.
- Anh nhờ chị Hương bán quần áo chọn cho đấy, người em giờ về như cũ rồi, chị ấy cứ size cũ của em chị ấy chọn thôi. Công nhận em mua bán khiếp thật, chỉ cần nói tên phát mà chị ấy đã nhớ chi tiết rồi - chàng lè lưỡi
- Hi hi, lợi ích của khách hàng thân thiết đấy ạ - em cười - nhớ tháng trước chuẩn bị đi làm lại, em chỉ cần gọi điện là chị Dung khắc chọn vải khắc thiết kế kiểu, còn số đo của em chị ý nhớ như in trong đầu, may mà cơ thể em không thay đổi tí nào, anh thấy hay không?
- Hay cái gì mà hay - chàng lườm - nuôi em rõ tốn công vô ích. Mấy tháng trước trông còn có da có thịt 1 tí, ôm còn thích, bây giờ thì như bộ xương, vuốt từ trên xuống dưới chả thấy mắc tay ở cái chỗ nào. 

Cú rồi đây. Người ta ốm o gầy mòn thế này là vì ai hả? Chả vì chồng vì con vì mẹ thì vì cái gì.

- Đấy là tại anh không biết đường chăm sóc em cho nó tử tế - em cãi
- Này này, cơm bưng nước rót đến tận miệng rồi còn nguây nguẩy "em không muốn ăn, em không thể nuốt nuổi". Cứ thế đi, rồi vừa già, vừa xấu, vừa đầu gấu, vừa lắm lời là đây kiếm đứa nào trẻ đẹp hơn đây chăm sóc đấy.

Á à, còn dám thách thức nhau à. Đây cóc sợ nhé.

- Anh giỏi thì anh đi được đâu anh cứ đi. Đã đi rồi thì đừng có mà vác mặt về nhé - em hằm hằm
- Em buồn cười thật. Nên nhớ đây là nhà anh nhé, chỉ có em đi đâu thì đi thôi - chàng cười
- Quên đi, đây là nhà em. Mà ba mẹ cũng chả đời nào để em đi đâu, anh mà hư thì ba mẹ đuổi anh là cái chắc - em vênh mặt
- Được ba mẹ chồng hậu thuẫn nên lên mặt đấy hử ? - chàng hầm hừ.
- Vả lại, em có đi thì em cũng sẽ mang con đi cùng. Xem anh làm thế nào?
- Không được, em đi đâu cứ đi còn để Đan Linh lại cho anh.
- Con là của em nhá. Có ra tòa người ta cũng sẽ xử con theo mẹ thôi- em cười đắc thắng - Anh thì có quyền gì.
- Thế thì thôi vậy. Con ơi, vì con ba đành sống tiếp với con mụ bạch cốt tinh này thôi - chàng rên rỉ - giời ạ, đã biết là sẽ khổ mà vẫn cứ đâm đầu vào.

Cho chàng chết nhé. Giờ em có con làm lá chắn rồi, xem chàng có dám ruồng rẫy gì em không. Chàng yêu con bé thế thì cũng cố mà yêu cả mẹ nó luôn thể.

Theo WTT

Xem tiếp: Nhật ký hôn nhân của em (15)

CHIA SẺ BÀI NÀY
  • tag
BÌNH LUẬN
chuyen muc lam dep
video lam dep