Lớn lên, chẳng còn ai dám đánh tôi nữa. Nhưng bước chân ra ngoài xã hội mới thấy, biết bao kẻ không đánh trực diện mà âm thầm đánh lén tôi. Họ chờ tôi sơ sẩy, họ chờ tôi sai lầm để hất cẳng vị trí của tôi đi.
Chợt nhớ về thuở xưa và những lời mẹ mắng, tôi mới hiểu những câu trách móc sao vẫn ấm áp lạ thường, dù ‘nặng’ cỡ nào cũng chỉ là mong tôi hãy tuân thủ phép tắc, giữ gìn sức khỏe, như chăm chỉ học hành, tắm rửa đúng giờ, ăn cơm đúng bữa.
Vậy mà ngày mới chân ướt chân ráo đi làm, tôi bị chửi không ngóc đầu lên được. Nước mắt rơi không vì ấm ức hay tủi thân mà là xấu hổ, nhục nhã, và mệt nhoài.
Rồi tôi lấy chồng và bắt đầu hiểu ra giá trị sâu sắc của hai tiếng gia đình. Cùng là một công việc như dọn nhà, nếu mẹ tôi nói ‘sao mày không mần việc đi, đồ con gái lười chảy thây chảy nết’ thì tôi sẽ đứng cười hì hì, thậm chí bỏ đi xem phim mặc mẹ càm ràm sau đó.
Vậy mà khi làm dâu, dù mẹ chồng chẳng nói gì, nhưng chỉ cần người phụ nữ ấy liếc mắt vào đống rác, tôi đã lật đật chạy đi tìm ngay cây chổi. Tôi vừa quét nhà vừa tự hỏi: ‘’Sao mày lại phải sợ, mày sợ cái gì vậy?”
Hình minh họa
Rõ ràng, chẳng ở đâu thoải mái, chẳng ở đâu có nhiều tình yêu thương như bên cạnh mẹ cha. Ngày bé không biết trân trọng, ra đời va vấp mới hiểu, chỉ có duy nhất trong gia đình, bị mắng chửi lại cảm thấy bình an đến thế.
Khi mới yêu đương, tôi thường hỏi chồng mình rằng: ‘Tại sao anh lại yêu em?’. Nhưng khi chia tay, tôi chẳng thèm hỏi gì, chỉ ngoảnh mặt quay đi.
Ngẫm lại, đời tôi chưa bao giờ phải hỏi ‘Bố mẹ yêu con vì điều gì?’, lý do thật đơn giản ‘Bởi vì con là con của bố mẹ’ – vậy là đủ. Bố mẹ không cần phải có điều kiện gì để yêu thương con cái, anh chị em một nhà cũng không cần phải có điều kiện để yêu thương lẫn nhau.
Dù con có là một đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo hay kẻ chẳng ra gì thì bố mẹ vẫn cứ yêu thương con như thế. Dù con có làm nhiều điều sai trái, để bố mẹ phiền lòng thì cuối cùng bố mẹ vẫn luôn bao dung và tha thứ cho con, vô điều kiện.
Và rồi, cái ngày tôi xách va li cuốn gói khỏi gia đình chồng sau một thời gian dài chịu đựng, cũng là ngay mẹ tôi đứng sẵn ở cửa, cầm túi cho tôi. Trước khi đi, bà còn mắng bên thông gia một vài câu cho hả lòng, hả dạ.
Ngồi trên xe, bà lại tiếp tục mắng tôi, nhưng khoảnh khắc ấy, tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng. Hóa ra, tôi vẫn còn có nơi để về, vẫn có người muốn ‘trút giận’. Trước mặt mẹ cha, tôi luôn được là chính mình. Dù họ cáu kỉnh hay chê bai, vẫn dễ chịu hơn sự im lặng và cái nhìn xách mé của kẻ không cùng huyết thống.
Cuộc đời này, vốn không có bữa ăn nào là miễn phí, ngoài những bữa ăn của bố mẹ. Còn xã hội, muốn được yêu thương vì phải có điều kiện này kia. Ví như muốn được sếp trọng dụng, phải bỏ thời gian công sức mà cày bừa gấp đôi, gấp bốn. Bước vào spa muốn được phục vụ, phải chứng tỏ mình đủ tiền để ‘chơi’. Tôi hiểu, đó là quy luật cuộc sống, nên chẳng oán trách gì.
Tôi có một cô bạn, cả tuổi thơ luôn phải chịu đòn roi của người cha độc đoán, gia trưởng. Lớn lên bạn vụng dại, lỡ có thai và chấp nhận làm mẹ đơn thân. Khi cầu cứu gia đình, bạn bị chối bỏ. Rồi bạn nhận được tin cha mình ốm nặng, dù lòng còn buồn hận nhưng bạn vẫn dắt con về thăm ông.
Bạn kể, hồi bé tuy cha hay đánh đòn nhưng chính cha cũng là người cõng bạn đi bộ hàng chục cây số, đưa bạn đến bệnh viện khi bạn lên cơn sốt giữa đêm. Những khi bạn đau ốm cũng chính tay ông đút cho bạn từng ngụm cháo.
Ngày bạn sinh con, ông không đến thăm trực tiếp mà lặng lẽ đứng nhìn trộm từ phía xa, nấp sau hàng rào của bệnh viện. Buổi chiều hôm đó, tôi thấy cha con họ ôm nhau khóc. Có lẽ, chỉ tình cảm máu mủ ruột thịt mới khiến người ta có thể tha thứ và chấp nhận.
Dù trải qua chuyện gì đi chăng nữa, dù đã từng tổn thương thế nào thì cuối cùng tình cảm gia đình vẫn là điều quý giá nhất mà không điều gì có thể thay thế được.
Suy cho cùng, giới này rộng lớn như thế, chỉ có mẹ cha mới thương ta vô điều kiện, còn xã hội này phải có ‘điều kiện’ mới thương ta.
St
Hình minh họa