Nguyên liệu:
800g cùi dừa bánh tẻ
Lá dứa
2 quả chanh leo
400g đường
1 gói cà phê
50ml sữa tươi không đường
Cách làm:
Cùi dừa gọt bỏ lớp vỏ nâu, rửa sạch, cắt thành các miếng vuông nhỏ, rộng cỡ 1 cm. Cho cùi dừa vào ngâm trong chậu nước có pha nước cốt chanh để dừa được trắng, mềm. Đem cùi dừa rửa sạch bằng nước ấm nhiều lần cho đến khi nước rửa hết đục. Làm vậy để loại bỏ dầu dừa, mứt dừa làm ra sẽ không bị ngấy và giữ được lâu. Sau đó vớt cùi dừa ra rổ, để ráo nước.
Đun một nồi nước sôi, đổ dừa vào chần qua trong khoảng 1 -2 phút. Rồi đổ dừa ra rổ cho nguội và ráo nước.
Cùi dừa chia làm 4 phần bằng nhau (mỗi phần 200 g cùi dừa), cho vào 4 tô lớn. Đường cũng chia làm 4 (mỗi phần 100 g) cho vào chén nhỏ để dễ làm. Tô dừa thứ nhất cho 50ml sữa tươi không đường và 100gr đường trắng vào trộn đều cùng cùi dừa.
Lá dứa rửa sạch, cắt khúc nhỏ, đem đi xay nhuyễn cùng 80 ml nước lọc bằng máy xay sinh tố. Dùng rây hoặc khăn xô sạch để lọc bỏ bã, vắt lấy nước cốt. Cho nước cốt lá dứa và 100 g đường vào trộn cùng cùi dừa ở tô thứ 2.
Chanh dây rửa sạch, cắt làm đôi, dùng thìa múc lấy phần ruột. Tiếp đến dùng rây hoặc khăn xô để lấy nước cốt, bỏ phần hạt đi. Cho nước cốt chanh dây cùng 100 g đường trộn đều với dừa ở tô thứ 3.
Cà phê đem hòa tan trong 80ml nước. Đổ cà phê hòa tan và 100gr đường vào tô dừa thứ 4, trộn đều. Hoặc chỉ ướp đường với dừa còn cà phê thì rắc trực tiếp vào khi bắt đầu sên dừa.
Ngâm dừa với hỗn hợp nước màu khoảng 2 tiếng, đến khi đường hoàn toàn tan hết thì bắt đầu sên mứt. Lần lượt sên từng loại riêng nhé! Đun sôi dừa rồi giảm lửa vừa ngay, đảo đều tay. Khi đường bắt đầu sánh keo lại thì giảm lửa liu riu, đảo đều. Đường kết tinh thì tắt bếp nhưng vẫn đảo mứt thêm khoảng 1 -2 phút nữa rồi trút ra mâm hoặc mẹt sạch, để nguội.
Xong mẻ này thì làm mẻ mứt khác. Thực hiện 4 lần sẽ cho ra mứt dừa trắng cơ bản, mứt dừa màu xanh, mứt dừa màu vàng và mứt dừa vị cà phê màu nâu.
Với chút sáng tạo nho nhỏ, bạn đã có món mứt dừa viên bốn màu vừa ngon vừa đẹp để đãi khách Tết này rồi.
Cách bảo quản mứt dừa giữ được lâu và ngon:
Sau khi làm mứt xong bạn cần cho ra khay và để thật nguội mới đem đi cất. Bước này khá đơn giản tuy nhiên chỉ chút nóng vội, việc cất mứt sớm trước khi nguội sẽ làm mứt dừa chảy nước, mất vị ngon.
Bảo quản mứt dừa trong các túi nilon hoặc hũ kín. Tốt nhất nên bảo quản trong hũ thủy tinh kín khí.
Khi bảo quản trong lọ đựng, nên cho vào trong đó 1 lớp đường. Lớp đường sẽ có chức năng hút ẩm cho mứt, giúp bảo quản mứt lâu hơn.
Khi cho mứt ra khay và khi không sử dụng đến mứt nữa nên đậy kín khay đựng mứt lại. Nếu bày ra khay thì nên áng chừng lượng mứt sử dụng để cho mứt ra khay, chỉ bày ra đủ dùng, hết rồi lại bày ra tiếp, hạn chế tiếp xúc với không khí ẩm bên ngoài.
Chuẩn bị nĩa để xiên mứt và đảm bảo mứt được sạch sẽ hơn. Tránh việc dùng tay làm ẩm ướt những sợi mứt hoặc viên mứt khác, dễ chảy nước.
Không bày mứt dưới nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Sự nóng lên của nhiệt sẽ làm đường tan chảy.
Nếu bảo quản mứt trong tủ lạnh, nên hạn chế lấy mứt, hoặc lấy mứt trong tủ lạnh ra, tránh đem cả lọ (túi) mứt ra ngoài, tránh việc tiếp xúc với môi trường bên ngoài sẽ dễ bị chảy nước do chênh lệch mức nhiệt, mứt mất vị ngon.
Khuyến cáo chỉ nên bảo quản mứt dừa trong tối đa 1 tháng để có được chất lượng sử dụng tốt nhất. Và lưu ý nên bỏ mứt đi nếu mứt có sự thay đổi về màu sắc.
Chúc bạn thành công và ngon miệng với cách làm mứt dừa viên sáng tạo nhé!