Khi ăn, tôi cũng cố ăn sao cho thật nhanh, để có thể tự hào hô to: “con phép cơm bố, con phép cơm mẹ, ai ăn sau là đầu quét dọn”. Thế rồi sau khi cầm bát để vào chậu rửa, tung tăng, vui vẻ đi chơi tiếp.
Nhưng một đứa vô tâm như tôi cũng có thể nhận ra, mẹ luôn là người ngồi vào mâm cơm cuối cùng, và cũng là người cuối cùng rời mâm. Tôi thắc mắc, mẹ mọi khi nhanh nhẹn lắm mà, sao đến giờ cơm lại lề mề thế nhỉ. Vậy mà mẹ suốt ngày mắng mình lề mề.
Tôi cứ mang cái suy nghĩ vô tư mà lớn lên. Đến khi thành thiếu nữ, tôi đã quen với việc mẹ vào mâm cuối cùng, và là người cuối cùng rời căn bếp. Mọi chuyện chỉ khác đi, khi tôi bước vào vai trò làm một người vợ, một người mẹ trong gia đình. Là mẹ của hai đứa con, một đứa còn bú mẹ, một đứa hai tuổi đã cuốn tôi vào guồng bận rộn tối ngày.
Ảnh minh họa
Đến giờ cơm, tôi tất bật chuẩn bị cơm cho cả nhà. Khi dọn được bữa cơm ra, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Vào bữa cơm, không khí trò chuyện trong nhà cũng vui vẻ. Bố chồng nhờ tôi đi lấy quả ớt, chồng lại xin thêm ít nước mắm. Rồi con trai hai tuổi đang chờ tôi cắt đồ ăn thành từng miếng nhỏ, con chưa thể ăn thức ăn như người lớn vì dễ bị hóc nghẹn.
Thế rồi vì vội vã, tôi lấy thiếu đũa. Chồng mỉm cười xin đôi đũa. Tôi lại lật đật chạy đi. Vừa ngồi được vào bàn thì bé nhỏ thức giấc, đòi ăn. Tôi vội buông bát cơm, đến cho con nhỏ ăn bữa tối.
Khi ngồi cho con bú, tôi đã thấm mệt. Nhưng nhìn cảnh tượng cả nhà quây quần, tôi bất giác mỉm cười. Quang cảnh này sao mà quen thế nhỉ. Hình như mình cũng giống mẹ ngày xưa: Là người cuối cùng ngồi vào mâm cơm, và cũng là người cuối cùng rời khỏi bếp. Giờ thì tôi đã hiểu, làm vợ làm mẹ là như thế.
Nghĩ lại chuyện ngày xưa, anh em tôi tranh nhau đồ ăn. Đứa lớn nhất nhì trong nhà là tôi cũng chưa biết phụ mẹ bón cơm cho em. Cả đàn con nheo nhóc, cơm thì ít, đồ ăn cũng không nhiều nên cứ đến giờ ăn là mấy đứa lại nhao nhao, mách mẹ, anh chị dành của con, em cứ giành của con.
Rồi bố tôi cũng là người kỹ tính, đũa so lệch đôi, hay nước mắm không ớt là ông không vừa lòng. Khi ấy, mẹ tôi đều nhẹ nhàng sửa lỗi, rồi bảo ban anh em tôi nhường nhịn nhau. Mỗi đứa nhường đứa kia một tí, em bé cũng cần kính anh chị, chứ không được tùy tiện tranh giành.
Vất vả, bận rộn là thế, tôi chưa bao giờ thấy mẹ cằn nhằn hay tỏ vẻ khó chịu trong bữa ăn. Bà luôn đáp ứng nhu cầu của mọi người, rồi cuối cùng mới dùng phần cơm của mình. Dùng cơm xong, mẹ lại dọn dẹp tươm tất rồi mới đi làm việc khác.
Có nhiều lúc vì công việc trong cuộc sống hiện đại quá bận rộn, người ta ít có thể nhẹ nhàng với nhau như xưa. Vẫn có những ngày chồng tôi vì công việc không thuận lợi mà vô ý gây sự với tôi trong bữa cơm. Bố mẹ chồng khi trở trời cũng khó tính hơn, yêu cầu cũng khắt khe hơn. Những lúc như vậy cũng khiến tôi rơi nước mắt tủi thân.
Nhưng rồi nghĩ đến hình ảnh của mẹ, nghĩ đến thói quen là người ngồi xuống mâm cơm cuối cùng và cũng là người cuối cùng rời khỏi bếp, tôi lại gạt nước mắt đi và tự nhủ “làm mẹ, làm vợ là như thế”.
Mẹ không nói nhiều, nhưng sự kiên trì của bà trong suốt những năm tháng qua đã để lại cho tôi một bài học thật thấm thía. Tôi tự hỏi, mẹ tôi có bao giờ cảm thấy tủi thân đến không còn muốn tiếp tục. Có bao giờ bà âm thầm trách móc những người xung quanh không giúp đỡ, không hiểu cho nỗi vất vả của bà, không thương yêu bà đủ như điều bà mong muốn?
Nhưng rồi tôi nghĩ tới gia đình mình. Các anh chị và các em tôi giờ đều có gia đình, và đều tương đối hạnh phúc. Vậy là sự nhẫn nhịn của mẹ tôi trong quá khứ chẳng phải đã mang đến những trái ngọt hay sao. Và giờ đây, khi đã cao tuổi, mẹ vẫn chuẩn bị cơm cho cha, chu toàn như ngày còn trẻ. Khi các con quây quần, bà vẫn là người bếp trưởng, cùng các con dâu, con gái nấu những bữa ăn ngon lành nhất. Cho đến bây giờ, tôi không thấy mẹ có ý định từ bỏ nghề nghiệp vất vả và đầy thử thách này.
Mẹ thường hay nói, phụ nữ như đất, như nước, giỏi nhất bao dung. Phải chăng cái bao dung của mẹ, sự kiên nhẫn của bà trong mỗi hành động nhỏ hàng ngày đã nuôi dưỡng trong tâm hồn anh chị em chúng tôi hạt mầm “trách nhiệm”, “chăm sóc”, “yêu thương”. Để rồi tới lượt mình, chúng tôi sẽ tiếp tục vun xới những hạt giống ấy để xây dựng gia đình hạnh phúc của mình.
Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ. Con cũng sẽ làm người cuối cùng ngồi vào mâm cơm, người cuối cùng ra khỏi căn bếp như mẹ. Bởi con đã hiểu thông điệp mẹ truyền “làm vợ, làm mẹ có thể vất vả. Nhưng chính những vất vả ấy sẽ là thứ chất dinh dưỡng màu mỡ nhất nuôi dưỡng hạnh phúc của gia đình”.
Theo Huệ Bình/Vandieuhay