Khi bước vào những tuần cuối thai kỳ, nhiều mẹ bầu cảm thấy khó chịu mệt mỏi vì vùng xương chậu và "chỗ ấy" thường xuyên đau nhức, thậm chí có người còn đau đến mức không đi nổi.
Nguyên nhân của hiện tượng này có thể kể đến như sau:
- Bé quay đầu, đẩy người xuống khung chậu
Vùng xương chậu có nhiệm vụ nâng đỡ toàn bộ phần phía trên của cơ thể nên vào những tuần cuối của thai kì, khi thai nhi quay đầu và tiến thấp vào vùng xương chậu để chuẩn bị chào đời, cơ thể người mẹ sẽ tự tiết ra một hormone relaxin, progesterone làm các khớp vùng khung chậu sẽ bắt đầu giãn nở nhiều hơn để sẵn sàng đón bé yêu chào đời.
Bé quay đầu, thúc xuống dưới khiến mẹ cảm thấy ê ẩm "vùng kín". (Ảnh minh họa)
- Mẹ thiếu canxi
Mẹ không bổ sung đủ lượng canxi cần thiết trong thai kỳ sẽ khiến các khớp xương yếu ớt hơn. Trong giai đoạn những tháng cuối, thai nhi phát triển lớn sẽ tạo áp lực lên xương "vùng kín" của mẹ khiến mẹ thấy ê mỏi, đau nhức.
- Mẹ hoạt động mạnh
Những tuần thai cuối là thời điểm mẹ nên nghỉ ngơi nhiều, hạn chế đi lại và vận động mạnh vì điều này sẽ khiến vùng xương phía dưới chịu áp lực cao cũng gây đau. Ngoài ra, mẹ còn có thể cảm thấy đau ở háng, lưng, bẹn, hông và bên trong đùi.
Như vậy, đau xương "vùng kín" không được xem là một dấu hiệu sắp sinh mà chỉ là tín hiệu cho thấy bé đã quay đầu và cơ thể mẹ cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc sinh con.
Bị đau xương "vùng kín" phải làm sao?
Đau xương vùng kín là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên xảy ra đối với cơ thể người mang bầu nên mẹ không cần quá lo lắng. Dưới đây là một số mẹo nhỏ để mẹ hạn chế cơn đau:
- Duy trì tư thế đúng, lưng thẳng, có gối tựa sau lưng nếu ngồi.
- Không tạo áp lực lên vùng xương háng. Có thể sử dụng đai đeo thắt lưng để đỡ xương chậu, giảm trọng lượng đề lên khớp mu, hỗ trợ giảm đau.
Đau xương "vùng kín" khiến mẹ bầu khó chịu, không đi lại, sinh hoạt bình thường được. (Ảnh minh họa)
- Mang các loại dép bằng, đế thấp.
- Tránh đứng một tư thế quá lâu.
- Khi ngủ sử dụng gối cho bà bầu, nằm nghiêng bên thuận.
- Bổ sung đầy đủ can-xi.
Một số dấu hiệu sắp sinh mẹ nên biết?
Như vậy, đau xương "vùng kín" cuối thai kỳ chưa chắc đã là dấu hiệu sắp sinh. Vậy những dấu hiệu thực sự là gì?
Thở dễ dàng hơn
Khi mang thai, mẹ bầu thấy khó thở hơn vì thai nhi đè lên cơ hoành. Do đó, vào thời điểm trước khi sinh, bạn sẽ thấy việc thở dễ dàng hơn rất nhiều vì bé đã tụt xuống sâu vùng khung xương chậu, giải phóng áp lực cho hệ hô hấp của cơ thể mẹ. Bù lại, bàng quang lại chịu nhiều sự đè nén hơn, nên tần suất đi tiểu của mẹ bầu tăng lên rõ rệt.
Ra dịch nhầy
Trong suốt quá trình mang thai, cổ tử cung đóng, một lớp dịch nhầy rất dày xuất hiện có nhiệm vụ bảo vệ thai nhi chống lại những viêm nhiễm, vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài. Khi gần đến ngày sinh, cổ tử cung bắt đầu “nghỉ ngơi” co giãn và mềm ra, do đó là dịch nhầy này có thể rò rỉ ra ngoài. Dịch nhầy này có thể trong suốt, màu hồng nhạt hoặc kèm theo máu, tia máu. Nó có thể xuất hiện trước vài phút, vài giờ hay thậm chí vài ngày trước khi bạn lâm bồn.
Khi nhận thấy các dấu hiệu sắp sinh, mẹ bầu nên đến bệnh viện kiểm tra sớm. (Ảnh minh họa)
Vỡ ối
Chỉ khoảng 1/10 phụ nữ mới trải qua hiện tượng vỡ ối, nước ối ào ra ồ ạt trước khi kịp tới bệnh viện. Có thể các cơn đau co thắt chưa diễn ra, nhưng tình trạng này khá hiếm xảy ra. Thông thường, nước ối chỉ rò rỉ từng ít một để báo hiệu bạn cần sinh gấp.
Thấy khỏe khắn lạ thường
Đặc biệt với những mẹ bầu hay cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ trước đó, dễ có cảm giác này. Một ngày, bạn thức giấc và sẽ thấy cơ thể tràn đầy sinh lực. Bạn nghĩ ra hàng tá việc để làm, dọn dẹp, mua sắm. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng đó là khi cơ thể đang dồn hết sức để chuẩn bị cho cuộc chiến vượt cạn sắp tới.
Cổ tử cung mỏng dần
Thông thường, vào những tháng cuối thai kỳ, cổ tử cung bắt đầu bị kéo căng và mỏng dần. Quá trình này báo hiệu phần đáy tử cung đã sẵn sàng co bóp và mở để em bé chào đời. Hơn nữa, khi cổ tử cung mỏng hơn, việc giãn nở sẽ dễ dàng hơn. Vào những tháng cuối, bạn khám thai, bác sỹ sẽ đưa ra chỉ số về độ mềm của cổ tử cung, theo tỷ lệ phần trăm.
Cổ tử cung mở
Kèm theo dấu hiệu các cơn co thắt cổ tử cung ngày càng dày hơn, bộ phận này bắt đầu mở ra để cho em bé chào đời. Bác sỹ sẽ kiểm tra và đo độ mở của tử cung bằng centimet. Thông thường, cổ tử cung mở 10cm thì bạn mới sẵn sàng cho việc lâm bồn.
Nguồn: eva