Ngày 3-8, nhiều trường ĐH công bố danh sách điểm thi của thí sinh theo thứ tự từ cao xuống thấp trên trang web của trường theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Nhiều hồ sơ điểm cao
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết đã có 500 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường, mức từ 23-27 điểm. Theo đánh giá của ông Điền, đây là số điểm tổ hợp môn tương đối cao.
Năm nay, điểm chuẩn của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xác định theo thang điểm 10 dựa trên điểm trung bình các môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển có xét tới hệ số môn chính (hệ số 2) cộng với điểm ưu tiên. Điểm xét của thí sinh sẽ được tính theo công thức sau: Đối với các nhóm ngành không có quy định môn chính: điểm xét = tổng điểm 3 môn/3 + điểm ưu tiên/3; đối với các nhóm ngành có quy định môn chính: điểm xét = tổng điểm 3 môn có nhân hệ số môn chính/4 + điểm ưu tiên/3.
Căn cứ vào thống kê số liệu điểm thi kỳ thi THPT quốc gia và điểm chuẩn các năm trước, các chuyên gia tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra dự báo điểm chuẩn cho các nhóm ngành cơ điện tử (KT11), điện - điện tử - tự động hóa (KT21), công nghệ thông tin (KT22): 8-8,5; các nhóm ngành kỹ thuật cơ khí (KT12), toán - tin (KT23), kỹ thuật hóa học - sinh học - thực phẩm - môi trường: 7,5-8; các nhóm ngành kỹ thuật khác (KTxx): 7-7,5; các nhóm ngành cử nhân công nghệ (CNx): 6,5-7,5; các nhóm ngành kinh tế - quản lý (KQx): 7-7,5; ngành ngôn ngữ Anh (TAx): 6,5-7,5; các chương trình đào tạo quốc tế (QTx): 6-7. Điểm chuẩn dự báo này sẽ được cập nhật thường xuyên dựa trên tình hình thí sinh đăng ký và sẽ được chốt vào ngày kết thúc đợt xét tuyển (đợt 1 vào ngày 20-8). Trường cũng dự kiến xét tuyển 100% chỉ tiêu từ nguyện vọng (NV) 1.
Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, trong 3 ngày đầu tiên, trường nhận được số hồ sơ chiếm khoảng 1/3 chỉ tiêu vào trường. Điểm xét tuyển của thí sinh trải dài từ 23-29, hai thí sinh có điểm cao nhất đến thời điểm này là 29.
Theo GS-TS Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, đến ngày 3-8, có khoảng 400 thí sinh nộp hồ sơ vào trường với mức điểm từ 18 trở lên. Căn cứ vào điểm xét tuyển của thí sinh, dự kiến điểm trúng tuyển vào trường sẽ cao hơn năm trước. Ông Kiều Xuân Thực, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho biết số thí sinh đăng ký xét tuyển chủ yếu có điểm từ 17-22, cao hơn khá nhiều so với mức sàn xét tuyển.
Theo số liệu của Trường ĐH Y Hà Nội, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển cao điểm nhất của trường là Lương Thị Minh Thúy (28,5 điểm). Người có điểm thấp nhất nộp hồ sơ vào trường này là 20,5.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng vừa thông báo điều chỉnh mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ 15 lên 17 đối với hệ ĐH cơ sở phía Bắc, cơ sở phía Nam vẫn giữ nguyên mức 15 điểm. Trước đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ “sàn” của Bộ GD-ĐT nhưng sau đó quyết định mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào trường là từ 17 điểm.
Thí sinh tại TP HCM nộp hồ sơ xét tuyển sáng 3-8. Ảnh: Tấn Thạnh
Cạnh tranh từng giờ
Bộ GD-ĐT đòi “xử” các trường không công bố danh sách thí sinh xét tuyển theo chu kỳ 3 ngày/lần nhưng phần mềm xét tuyển của bộ lại đang trong tình trạng vừa làm vừa điều chỉnh nên các trường không sử dụng được buộc họ phải dùng phần mềm xử lý riêng.
Sau 3 ngày xét tuyển, ngày 3-8, nhiều trường ĐH đã công bố danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển. Tổng hợp lần đầu tiên danh sách thí sinh xét tuyển ở nhiều trường ĐH cho thấy mức điểm phổ biến dao động từ 20-23 điểm.
Tại Trường ĐH Công nghệ Thông tin (thuộc ĐHQG TP HCM), dữ liệu được cập nhật lúc 13 giờ 47 phút ngày 3-8 cho biết ngành khoa học máy tính đã có 64 thí sinh đăng ký với mức điểm thi 3 môn từ 16,75-25,25 điểm, trong đó chủ yếu thí sinh có điểm từ 20 đến dưới 23. Năm nay, ngành này tuyển 130 chỉ tiêu.
Ở ngành truyền thông và mạng máy tính, số liệu cho thấy có 58 thí sinh đăng ký với mức điểm thi 3 môn từ 16,5-24,75. Mức điểm của thí sinh chủ yếu dao động ở mức từ 21-23. Chỉ tiêu của ngành này là 120. Ngành kỹ thuật phần mềm có 81 thí sinh đăng ký với mức điểm dao động từ 17,5-25,25 điểm, trong đó chủ yếu tập trung ở mức từ 20-22 điểm, ngành này tuyển 100 chỉ tiêu...
Tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM, số lượng hồ sơ nộp vào đến 16 giờ là 1.864. Năm nay, trường xét tuyển đối với thí sinh có điểm thi 3 môn từ 18 trở lên.
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, tính đến 17 giờ có 2.730 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Trong đó, thí sinh nộp trực tiếp tại trường là 2.615, còn lại qua đường bưu điện. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường không sử dụng phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT.
Liên quan đến phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT, theo ThS Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, phương thức tính điểm xét tuyển của trường hiện chưa được thể hiện trên phần mềm của Bộ GD-ĐT. Theo quy chế, điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng) tính theo thang điểm 30. Do phương thức xét tuyển của trường có 1 môn chính nhân 2 nên sau khi nhân, tổng điểm theo thang điểm 40. Vì vậy, trường phải chia 4 nhân 3 để quay về thang điểm 30 rồi mới cộng điểm ưu tiên vào.
Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉnh phần mềm Sáng 3-8, Hội đồng Tuyển sinh Trường ĐH Ngân hàng TP HCM đã gọi điện thoại cho Cục Khảo thí - Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) và được trả lời cách tính của trường là đúng và hiện nay phần mềm của bộ đang điều chỉnh tiếp. ThS Trương Tiến Sĩ cho rằng việc này ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình xử lý dữ liệu của trường và trường buộc phải sử dụng phần mềm riêng để xử lý kịp sáng 4-8 công bố dữ liệu cho thí sinh biết. |
Nguồn: eva