Sự thật là thai nhi 14 tuần tuổi mới to bằng quả trứng, với chiều dài trung bình 8,7cm (tính từ đầu đến chân) và có cân nặng khoảng 43gr; thế nhưng mẹ sẽ vô cùng ngạc nhiên vì biết con đã làm được rất nhiều điều đấy!
Bé cưng biết... mút tay
So với tuần trước, bộ não của thai nhi đã có sự đột phá thần kì. Các xung não điều khiển cơ mặt con khá linh hoạt nên thậm chí cục cưng của mẹ đã có thể "biểu lộ cảm xúc" của mình như nhăn nhó, nheo mắt, cau mày, há miệng,... và một số biểu hiện khác trên nét mặt.
Cánh tay bé đang dài ra và dần cân đối với cơ thể hơn. Trong khi đó, đôi chân nhỏ xíu của "võ sĩ tí hon" cũng đã dài khoảng 1,2cm. Chân tay con khá linh hoạt và liên tục cử động mặc dù phải mất vài tuần nữa mẹ mới cảm nhận được những cú đạp, cú đá của con.
Và mẹ biết không, có một điều rất thú vị là thai nhi 14 tuần tuổi đã biết mút ngón tay cái của mình rồi đấy! Nếu may mắn, mẹ sẽ thấy hành động thú vị này của con qua hình ảnh siêu âm. Ngoài ra, một lớp lông tơ siêu mịn đã bao phủ khắp cơ thể bé.
Thai nhi 14 tuần tuổi - các cơ quan dần đi vào hoạt động
Tuần này, thận của thai nhi gần như đã phát triển đầy đủ và bắt đầu thực hiện chức năng của nó. Vậy nên mẹ đừng quá ngạc nhiên khi con đã biết... tè một chút vào nước ối. Gan cũng bắt đầu thực hiện chức năng tạo mật, tì hỗ trợ sự sản sinh các tế bào hồng cầu. Sự sống của bé đang trỗi dậy mạnh mẽ hơn mỗi ngày...
Những thay đổi trên cơ thể mẹ khi thai nhi 14 tuần
Mẹ đã chính thức bước sang quý thứ 2 và cảm nhận những thay đổi rất rõ rệt. Mặc dù kích cỡ bụng bầu chưa khác biệt nhiều nhưng chóp tử cung đã cao trên xương mu chút ít và đẩy bụng ra. Thời gian này, mẹ cũng cảm nhận được sự có mặt của bé nhiều hơn. Một số mẹ sẽ thấy căng thẳng, lo lắng đôi chút nhưng hãy tự tin lên nhé, mang thai và sinh đẻ là những điều hết sức tự nhiên nên mẹ sẽ làm được tốt thôi!
Hai bầu ngực giờ đây bớt đau và không còn căng tức nhiều do các hormone thai kì đã điều hòa, ổn định hơn. Tuyệt nhất là những cơn buồn nôn đã giảm rõ rệt và chỉ 1 vài tuần nữa sẽ hoàn toàn biến mất. Cơ thể mẹ giống như được tái tạo sức sống, tràn đầy nặng lượng và cảm giác khỏe khoắn hơn bao giờ hết.
Những việc mẹ nên làm tuần này
- Nếu đã bắt đầu cảm thấy quần áo chật chội đi do bụng bầu to lên, mẹ có thể đi sắm sửa cho mình những bộ đồ rộng rãi để cảm thấy thoải mái. Những chiếc quần bầu có dây chỉnh kích thước bụng sẽ phù hợp với bất cứ bà bầu nào nếu chưa muốn sắm váy bầu quá sớm.
- Khi cảm giác mệt mỏi, nghén ngẩm, chán ăn qua đi, mẹ hãy nhanh chóng ăn uống trở lại để dưỡng sức và nuôi lớn thai nhi, nhất là những mẹ nghén nặng và chẳng thể ăn gì trong thai kì trước.
Thai nhi 14 tuần có kích thước tương đương một quả trứng. (Ảnh minh họa)
- Rèn luyện sức khỏe: Tập luyện luôn cần thiết với bất cứ ai và bà bầu cũng không ngoại lệ. Hãy lựa chọn những bài tập phù hợp hoặc đơn giản là vận động cơ thể mỗi ngày để nâng cao sức khỏe, khả năng miễn dịch cho cơ thể đồng thời hỗ trợ cuộc sinh nở sau này tốt hơn. Yoga cho bà bầu cũng là một gợi ý không tồi chút nào, mẹ có thể tham khảo nhé!
- Dừng ngay các hoạt động chăm sóc tóc, da, trị mụn,... có sử dụng hóa chất; nếu vấn đề nội tiết gây ra mụn, nám hay tàn nhang,... thì mẹ hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp chăm sóc từ tự nhiên với rau, củ, quả để đảm bảo an toàn. Trong thời gian bầu bí, nước hoa, hóa chất tẩy rửa, mĩ phẩm,... đều gây những nguy cơ đáng ngại cho em bé nên mẹ cần phải thật cẩn thận.
- Sắm sửa những đôi giày bệt vừa chân, thoải mái và có độ ma sát tốt để tránh trượt ngã và tạo tư thế tốt nhất cho thai nhi. Trong vài tháng tới, mẹ có thể thấy chân mình to ra một chút và hay lập tức đổi cỡ giày để cảm thấy thoải mái hơn, đừng cố "bon chen" trong những đôi giày chật hay cao gót, cả mẹ và bé sẽ chẳng dễ chịu chút nào; không kể tình trạng căng cơ, chuột rút và máu huyết kém lưu thông.
- Thăm khám bác sĩ thường xuyên khi có lịch hẹn hoặc bất cứ khi nào cảm thấy có vấn đề khác thường như đau nhói bụng và ra máu, sụt cân trầm trọng hay thị lực giảm sút,...
- Hãy cẩn thận với thú cưng và vật nuôi trong nhà, chúng có thể là nguyên nhân gây bệnh lúc này và rất nguy hại với em bé.
- Cẩn thận với sự thay đổi thời tiết thất thường kẻo bị ốm.
- Cuối cùng, khi thai nhi 14 tuần tuổi là thời điểm đánh dấu sự trở lại của "tuần trăng mật thai kì", do đó hãy cởi mở hơn với sex nhưng tuyệt đối không quan hệ quá nhiều hay thử những tư thế bất lợi vì có thể làm ảnh hưởng đến em bé trong bụng, mẹ bầu nhé!
Nguyệt Nga
(Theo Congluan)
Nguồn: emdep