Cấu tạo của xương chân gà
Để thành thạo cách rút xương chân gà, trước hết bạn cần phải hiểu cấu tạo của xương chân gà. Thông thường chúng ta sẽ rút xương chân gà từ khớp gối của cẳng gà đến các ngón chân. Khi rút xương chúng ta sẽ tạm chia chân gà làm 2 phần: xương cẳng chân và xương ngón chân.
Xương cẳng chân gà được cắt ngang từ khớp gối trở xuống, có cấu tạo là một đoạn xương ống to, thẳng, có lớp da và gân bao quanh bên ngoài. Điểm cuối cùng của đoạn xương này là khớp xương, phía dưới nằm ở gan bàn chân gà và phía trên nằm ở phần cuối của mu bàn chân. Đây chính là điểm nối giúp kết nối xương cẳng chân với các ngón chân, giúp gà đi đứng di chuyển dễ dàng.
Các ngón chân của gà được cấu tạo với các đốt. 3 ngón chân trước mỗi ngón sẽ có 3 đốt, mỗi đốt ứng với một đoạn xương, nối với nhau bởi các khớp. Ngón chân ngắn nhất có 1 đốt. Vì vậy, khi rút xương ngón chân, bạn chỉ cần tách lần lượt các khớp xương của chúng ra là xong.
Hướng dẫn chi tiết cách rút xương chân gà
1. Luộc chân gà
Chân gà đem lột sạch lớp vảy sừng bên ngoài rồi rửa sạch với nước muối pha loãng. Chặt hết phần móng rồi cho chân gà vào nồi luộc chín. Trong quá trình luộc bạn cho một nhánh gừng đập dập vào nồi để chân gà dậy mùi thơm.
Ban đầu bạn nên để lửa lớn, khi nước sôi, để lửa liu riu khoảng 15 phút đến khi chín tới là được. Khi chín, vớt ngay ra thau chứa nước đá lạnh để chân gà giữ được độ giòn, ngâm khoảng 10 phút cho nguội hẳn rồi vớt ra để ráo.
Tiếp theo, bạn cho vào hộp, để vào tủ lạnh khoảng 2 tiếng. Cách này giúp chân gà khô, săn chắc lại, khi lột sẽ dễ dàng và không bị rách nát.
2. Rút xương chân gà luộc
Với xương cẳng chân, bạn dùng dao rạch một đường từ đầu tới gan bàn chân gà. Cố gắng rạch sâu để làm đứt cả da và gân. Sau đó bạn lột tất cả phần da và gân từ đầu khớp gối xuống đến gan bàn chân gà. Đền phần khớp nằm ở giữa gan bàn chân, bạn khéo léo bẻ gập rồi lấy đoạn xương đó ra.
Với xương ngón chân: Bạn đặt chân lên thớt, hoặc giữ chặt trên tay, dùng con dao nhỏ khía dọc từ đầu tính (từ phần móng) tới tới hết ngón chân. Sau đó bạn tách da và gân, tháo từng khớp xương của chúng ra là xong.
3. Cách rút xương chân gà sống
Với xương chân gà sống, bạn có thể áp dụng theo một cách hơi khác một chút như sau: Cầm chân gà sao cho mu bàn chân nằm phía trên và nằm phía trong lòng bàn tay. Khép hơi gập mu bàn chân và cẳng chân lại, bạn sẽ thấy phần khớp xương nhô lên và một phần da hơi lõm xuống. Đó chính là ranh giới giữa khớp xương cẳng chân và các đốt xương ngón chân.
Bạn cầm dao, nhằm đúng phần bị lõm xuống rạch ngang một đường sao cho phần khớp xương bị đứt. Tiếp tục dùng dao rạch một đường ngược từ vết cắt khớp xương ngược lên trên đến hết cẳng chân. Cố gắng rạch sao cho da và gân nằm trên đường cắt đều bị đứt ra. Tiếp tục từ đỉnh cẳng chân, bạn lột tất cả phần gân và da này ngược xuống. Đến khớp xương đã bị cắt đứt, bạn sẽ dễ dàng tháo rời ống xương ra khỏi chân gà.
Với xương ngón chân, bạn cũng dùng dao rạch một đường bắt đầu phía mu bàn chân trở nên đến móng chân. Sau đó tác da và gân để tháo rời các khớp xương nhỏ ra. Tuy nhiên chân gà sống rất dai vì vậy quá trình này bạn có thể phải dùng đến dao mới dễ dàng tháo rời các khớp xương.
Lưu ý là chân gà sống có da và gân khá dai, lại trùng nhão. Bạn phải dùng dao thật sắc, cầm dao thật sắc chắc vì nếu không cẩn thận, dao sẽ dễ bị chệch hướng gây đứt tay.
Trên đây là hướng dẫn rút xương chân gà đơn giản, nhanh chóng. Thực tế rút xương chân gà không phải là việc quá khó. Chỉ cần để ý một chút và chịu bắt tay vào thực hành, bạn chắc chắn sẽ thực hiện một cách thành thạo.
Tổng hợp