Kênh Phụ Nữ Kênh Phụ Nữ

Bố mẹ nghiện điện thoại con chậm phát triển ngôn ngữ, nhận thức kém, kết quả học tập sa sút

KENHPHUNU.COM  | 11:00 , 02/10/2019
Bố mẹ nghiện điện thoại con chậm phát triển ngôn ngữ, nhận thức kém, kết quả học tập sa sút

Từ hồi báo đài nói tác hại của việc cho con xem điện thoại là em cũng mặc định tư tưởng từ hồi mang bầu rằng không bao giờ để con mình nghiện. Nhưng rồi rốt cuộc, bây giờ con trai 5 tuổi của em lại có những dấu hiệu nghiện các mẹ ạ.

Ở nhà thì em không cho bé đụng điện thoại bao giờ nên khi phát hiện con như đứa nghiện cũng ngạc nhiên dữ lắm. Sau mới biết, hóa ra gởi con cho ông nội trông, ông toàn lén cho cháu xem thôi. Mà còn xem cả hàng tiếng đồng hồ và thế là đâm ra nghiện lúc nào không hay.

Bây giờ con cứ rình bố mẹ để điện thoại ở đâu là tự ý lấy đi, rồi trốn ở góc nào đó coi. Không lấy được nữa thì ăn vạ, làm mình làm mẩy khóc lóc đến là khổ. Nói cấm xem thì con bảo “Bố cũng chơi điện thoại cả ngày mà mẹ có nói gì đâu”. Mà chồng em thì không bao giờ nói nổi với con một câu, chỉ biết cười khì khì khi nó quay sang đổ lỗi cho bố. Nhiều lúc em nghĩ ông nội cho xem khiến cháu nghiện là một phần. Còn lại có khi cũng vì bố nghiện mà con nghiện vì gương từ cha từ mẹ là học nhanh lắm.

Không cai được điện thoại cho chồng sao cai được điện thoại cho con, giờ em nản và lo ghê các mẹ ạ.

Trẻ nhỏ có bố mẹ nghiện điện thoại tư duy kém, ngôn ngữ chậm phát triển

Trong một tài liệu em đọc được thì thấy các chuyên gia đều khẳng định sự cần thiết phải có tương tác trực tiếp từ cha mẹ với con cái.

Hai nhà tâm lý học danh tiếng Kathy Hirsh-Pasek và Roberta Michnick Golinkoff từng khẳng định sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái sẽ xây dựng nên kiến trúc cơ bản của não bộ trẻ. Nói cách khác là nếu không có sự tương tác qua lại giữa cha mẹ và con cái thì não bộ của trẻ trong những năm đầu đời sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi về cả ngôn ngữ lẫn nhận thức. Khi đem so sánh các trẻ giữa hai nhóm riêng biệt, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng những em bé trong nhóm được cha mẹ thường xuyên trò chuyện dù ít tháng tuổi hơn, chỉ từ 11- 14 tháng nhưng đã tích lũy được vốn từ vựng phong phú gấp đôi so với nhóm trẻ còn lại, đã 2 tuổi nhưng vốn từ ít ỏi. Tất cả chỉ bởi trẻ ít được tương tác trực tiếp với bố mẹ của mình.

Nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc trẻ được thường xuyên trò chuyện với bố mẹ và thành thích học tập về sau cũng cho thấy sức ảnh hưởng không hề nhỏ.

Giáo sư Hirsh-Pasek làm việc tại Đại học Temple (Pennsylvania, Mỹ), thành viên cao cấp tại Viện Brookings, Mỹ, cho biết: Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của những cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái. Ông nói: “Ngôn ngữ là yếu tố dự đoán tốt nhất về thành tích học tập và chìa khóa để có kỹ năng ngôn ngữ tốt là những cuộc trò chuyện trôi chảy qua lại giữa trẻ nhỏ và người lớn”.

Bố mẹ nghiện điện thoại con chậm phát triển ngôn ngữ, nhận thức kém, kết quả học tập sa sút

Ảnh minh họa

Trong khi đó, ở xã hội hiện đại, mặc dù những đứa trẻ được hưởng điều kiện vật chất tốt hơn, đầy đủ hơn nhưng lại là những đứa trẻ cô đơn trong chính căn nhà của mình. Cha mẹ ngoài công việc, khi về đến nhà cũng chỉ biết cắm đầu lướt điện thoại mà không thèm ngó xem cảm xúc của con mình ra sao. Trong khi đó, những đứa trẻ quá ư nhạy cảm lại đang chịu nhiều tổn thương khi thấy mình không bằng một chiếc điện thoại. Chính sự lơ là của bố mẹ mà trẻ sẽ dần dà phát triển lệch về nhận thức và cảm xúc.

Nếu bố mẹ tiếc thời gian nói chuyện, chơi đùa với con hơn khi nhấc điện thoại lướt mạng, giao đấu game online hay sục sạo tin nhắn thì chắc chắn đứa trẻ không thể học được gì từ phía cha mẹ của mình. Trong giai đoạn trẻ phát triển ngôn ngữ, nếu không được giao tiếp trẻ sẽ bị chậm phát triển, chậm nói hoặc tư duy ngôn ngữ thụt lùi vì về cơ bản ngôn ngữ mang bản chất xã hội, nghĩa là có tiếp xúc mới có ngôn ngữ. Ngoài ra, một số trẻ nếu được tiếp xúc với điện thoại sẽ dễ sinh nghiện và khó tách khỏi điện thoại vì trẻ lập luận rằng cha mẹ mình làm vậy, mình cũng vậy và chẳng có gì sai trái ở đây cả.

Trong một bài viết gần đây em đọc được từ cách làm của một bà mẹ thì cũng có vài điều tâm đắc. Em cũng chỉ mới bước đầu áp dụng với con nhưng thấy cũng có ích cho mẹ đang cần.

Bốn quy tắc gia đình xóa bỏ thành công chứng “nghiện di động” ở con trẻ

1. Không để điện thoại ảnh hưởng đến việc học

Không thể cấm con chơi điện thoại vì càng cấm trẻ càng tìm cách có bằng được. Thế nên chỉ còn cách thỏa thuận. Hãy thỏa thuận với con, con có thể xem điện thoại nhưng tuyệt đối không thể ảnh hưởng đến việc học. Nếu bỏ một tiết học, làm thiếu một bài tập được cô cho hoặc giảm điểm số đáng báo động thì lập tức thời lượng xem điện thoại di động sẽ giảm đi một 1 tiếng. Ngoài ra, cũng cần thỏa thuận với con không bao giờ được mang điện thoại lên trường hoặc các câu lạc bộ học tập vì nó sẽ ảnh hưởng đến chính việc học của con và của các bạn khác trong lớp.
Nhiều trẻ khả năng kiểm soát bản thân trước mạng lưới cám dỗ trên mạng rất kém. Các bé rất dễ bị lôi kéo khi tham khảo chúng qua điện thoại di động. Là cha mẹ, bạn cần hiểu “sự nuông chiều sẽ phải trả giá đắt”. Nếu con muốn xem điện thoại phải nghiêm túc hơn trong học tập so với bình thường, để bù đắp vào khoảng thời gian con đã hủy hoại bằng cách chơi điện thoại di động.

2. Bố mẹ không thể là nô lệ cho điện thoại

Cả bố lẫn mẹ đều xem điện thoại di động là “công cụ hữu ích”. Họ sử dụng nó để biết những gì xảy ra ở thế giới bên ngoài, hoặc tìm hiểu kiến ​​thức bên ngoài sách giáo khoa và mở ra tầm nhìn về lĩnh vực, ngành nghề mà mình đang theo đuổi. Không cần nhớ, chỉ cần đưa điện thoại ra, ghi lại mọi thứ bằng điện thoại di động. Quá tiện ích là vậy nên điện thoại trở thành vật bất ly thân với nhiều bố mẹ. Không ít các ông bố trở thành con nghiện của nhiều game trực tuyến, sẵn sàng đấu ngày đấu đêm qua điện thoại đến mức sống có thiếu bữa, thiếu vợ con nhưng không thể thiếu điện thoại.

Trong thời đại phát triển Internet nhanh chóng ngày nay, nhiều bố mẹ trở thành “nô lệ của điện thoại”. Khi thiếu nó họ trở nên bồn chồn, tinh thần sa sút nghiêm trọng và thậm chí còn ảnh hưởng đến những chỉ số sinh lý khác như nhịp tim rối loạn hoặc nhận thức bị xáo trộn. Điều này không chỉ gây hại cho chính những đứa con trong gia đình có bố mẹ nghiện điện thoại mà còn nguy hại cho chính mái ấm gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái không thể tương tác với nhau hàng ngày. Do đó, trước khi muốn răn dạy con thì chính bố mẹ phải thoát ra khỏi điện thoại và sống cuộc sống của gia đình thực thụ.

3. Không sử dụng điện thoại để đọc các trang xấu

Thông tin mạng đang hỗn độn thật giả, tốt xấu. Bố mẹ thì không thể kiểm soát con cái 24/24 để xem trẻ coi gì trên mạng. Vì vậy, khi mẹ cho phép con chơi điện thoại di động phải lọc ra một số thông tin, quy tắc về nội dung mà con muốn xem. Bằng cách chỉ cho con cái cần xem và không nên xem, bố mẹ sẽ hạn chế được những lần phá luật của con khi xâm nhập vào mạng lưới ảo.

Việc để trẻ tự do sử dụng nội dung có thể làm chệch đi hướng phát triển và tư duy của trẻ. Trong tương lai, tính khí của chúng cũng thay đổi rất nhiều, tác động đến cả việc học và việc định hình nhân cách.

4. Có tinh thần hợp tác

Sau cùng, để kiểm soát tốt việc sử dụng điện thoại của con, bố mẹ phải đạt được đồng thuận nghiêm túc về sự tuân thủ. Một khi con phá vỡ luật đề ra, không tuân thủ nó, bố mẹ sẽ có biện pháp mạnh tịch thu điện thoại di động và không bao giờ cho con dùng đến nó nữa.

Quá trình giáo dục trẻ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Ngay cả trong vấn đề sử dụng điện thoại di động, cha mẹ cũng phải hết sức khéo léo và kiên nhẫn. Lý do khiến nhiều trẻ không thể cai nghiện di động là vì cha mẹ không thể thực sự dứt khoát với chính mình và với những quy tắc đã đặt ra. Nhiều bố mẹ ra quy tắc nghiêm nhưng khi con khóc lóc, dọa bỏ ăn là lập tức mềm lòng và sẵn sàng coi các quy tắc như chưa từng.

Bài viết này em tham khảo từ môt chia sẻ của mẹ trên trang Sohu và mang quan điểm cá nhân, không đại diện cho tất cả quan niệm khác của các mẹ trong diễn đàn. Hy vọng từ tầng này sẽ có nhiều tầng hơn được các mẹ mở ra thảo luận để giúp nhiều cha mẹ tìm cách cai nghiện phù hợp cho con nha.

St

CHIA SẺ BÀI NÀY
BÌNH LUẬN
chuyen muc lam dep
video lam dep