Theo số liệu báo cáo trong Kế hoạch hành động Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2020, chiều cao trung bình của người Việt Nam đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ. Con số này được đánh giá là thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực Châu Á và càng xa hơn so với các quốc gia châu Âu.
Trong khi phần lớn trẻ em Việt Nam mới sinh đều có chiều dài tương đương với trẻ em sinh ra tại các quốc gia khác (trên 50cm) nhưng từ 3 tuổi trở lên, khoảng cách chiều cao của trẻ em Việt Nam cách biệt dần và bị trẻ em thế giới bỏ xa.
Từ 3 tuổi trở lên, khoảng cách chiều cao của trẻ em Việt Nam cách biệt dần với trẻ em thế giới - Ảnh: Linh Trang
Từ 3 tuổi trở lên, khoảng cách chiều cao của trẻ em Việt Nam cách biệt dần với trẻ em thế giới - Ảnh: Linh Trang
Trong vòng 26 năm, từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3 cm. Người Việt Nam hiện lùn thứ 4 thế giới, chỉ xếp trên Indonesia, Philippines và Bolivia (theo số liệu thống kê của Tạp chí Dân số thế giới năm 2019).
Lý giải nguyên do chiều cao của người Việt thấp, Tiến sĩ. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng số 2, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia cho biết: “Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao ở trẻ em dẫn tới thể lực và tầm vóc của người Việt Nam còn hạn chế. Trong đó, có trên 50% là do dinh dưỡng và rèn luyện thể lực chưa được đảm bảo. Những yếu tố còn lại là gen, tâm lý, sức khỏe,…”
Cụ thể, nhiều phụ huynh thiếu hụt kiến thức về bổ sung dinh dưỡng trong chế độ ăn cho trẻ, nhất là ở giai đoạn 1000 ngày đầu đời, tiền dậy thì và dậy thì – những giai đoạn quyết định rất lớn đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
Tiến sĩ. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thiếu đạm, các vi chất, canxi, kẽm, sắt,… là nguyên nhân khiến trẻ suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng về chiều cao. “Hiện nay, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi là 13%, thiếu máu là 27,8% và thiếu kẽm có tỷ lệ lên tới 69,4%”, ông Hưng nhấn mạnh
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn ở mức cao với 23,8% năm 2017, tức là cứ 4 trẻ lại có 1 trẻ mắc suy dinh dưỡng thấp còi. Tính chung cả nước, mỗi năm, tỷ lệ này chỉ giảm được khoảng 1%. Thông thường, một trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi lúc 2 hoặc 3 tuổi sẽ có chiều cao khi trưởng thành rất thấp, thậm chí dưới 1m60 với nam, dưới 1m50 với nữ.
“Sự ảnh hưởng của thiên tai như bão lũ, hạn hán dẫn đến thiếu lương thực, thực phẩm, “đói theo mùa” tại một số vùng cũng là nguyên nhân khiến trẻ em ở một số địa phương chưa được đảm bảo tốt về vấn đề dinh dưỡng”, Tiến sĩ Hưng cho biết thêm.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, sự thiếu hụt trong vận động thể lực cũng là nguyên do khiến phát triển chiều cao của người Việt còn nhiều hạn chế. Theo các chuyên gia y tế, đối với trẻ nhỏ, cần tối thiểu 3 tiếng một ngày để trẻ vận động, chạy nhảy còn đối với trẻ lớn (từ giai đoạn tiền dậy thì) cần ít nhất 1 tiếng.
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ trẻ ở lứa tuổi dậy thì (từ 12 đến 18 tuổi) và tiền dậy thì ít vận động thể lực, tập trung vào các trò chơi điện tử, điện thoại thông minh, làm ảnh hưởng không nhỏ đến “giai đoạn vàng” trong phát triển chiều cao. Việc trẻ bị cuốn vào “guồng” học tập, thi cử hay các giờ thể dục ở nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu cũng là nguyên nhân hạn chế các hoạt động thể lực của nhiều em ở lứa tuổi này. .
Để có thể cải thiện chiều cao cho con, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, các bà mẹ nên có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng trong cả giai đoạn mang thai và cho con bú. Sau sinh, cần cho con bú mẹ 6 tháng đầu và cung cấp cho con đủ các chất tinh bột, đạm, chất béo, chất xơ, vitamin,… khi bắt đầu ăn dặm. Phụ huynh cũng nên tiếp tục cho con sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa sau giai đoạn cai sữa mẹ để bổ sung canxi, vitamin; sử dụng thêm các sản phẩm vi chất dinh dưỡng để cung cấp đủ chất cho trẻ.
Ngoài ra, trẻ cũng cần được chăm sóc y tế tốt, tiêm phòng đầy đủ, có những giấc ngủ đều đặn và đúng giờ. 21h tối là khoảng thời gian đi ngủ thích hợp giúp kích thích hoocmon tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Vấn đề thường xuyên theo dõi sự tăng trưởng, phát triển của trẻ và đảm bảo môi trường sống sạch sẽ cũng rất cần được phụ huynh lưu tâm.
“Đặc biệt, cần chú trọng tăng cường hoạt động thể lực cho con ở cả gia đình và trường học, nhất là với những trẻ lứa tuổi dậy thì, tiền dậy thì. Trong những năm đầu đời, nếu thấy trẻ có dấu hiệu của suy dinh dưỡng thấp còi, cha mẹ cần đưa con đi khám ngay để được tư vấn, can thiệp dinh dưỡng sớm nhất”, Tiến sĩ. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng nhấn mạnh.
Nguồn: Nguyễn Liên/Vietnamnet