Kênh Phụ Nữ Kênh Phụ Nữ

Cái kết đau lòng cho câu nói vô tâm của chồng: "Có ở nhà chăm con mà cũng không xong"

KENHPHUNU.COM  | 18:00 , 11/01/2019
Cái kết đau lòng cho câu nói vô tâm của chồng: "Có ở nhà chăm con mà cũng không xong"

Chỉ khi nào bản thân trải qua chuyện sinh nở và những gánh nặng người phụ nữ phải chịu, đàn ông mới hiểu được nỗi khó khăn của vợ mình.

App hoa anh đào

Nhà em ở quê nên lên trên thành phố ở trọ nhà anh để học đã 4 năm nay rồi. Em học Y nên có khi phải ở đây hết 7 năm mới xong. Tại gia đình không ai yên tâm cho em ra ngoài ở. Cũng chính vì ở đây lâu nên em mới chứng kiến hết mọi chuyện diễn ra ở nhà 2 bác.

Thú thật là trước lúc anh họ cưới chị dâu về, em còn thương quý mọi người. Nhưng từ khi có chị Hoa về làm dâu, càng ngày em càng thấy giận người nhà mình. Đúng là anh và 2 bác tốt với em thật, nhưng lại toàn làm khó chị Hoa.

Nhà chị ấy ở Điện Biện mà từ khi cưới đến nay chả được về thăm quê lần nào. Mấy hôm em ngồi nhặt rau nấu cơm với chị, chị ấy toàn than là nhớ nhà, thèm được nằm bên mẹ đẻ ngủ 1 giấc thật ngon. Nhưng chồng và bố mẹ chồng chẳng tạo điều kiện cho về. Tại giờ chị mà đi thì ở nhà không có ai lo cơm nước.

Em đi học với đi trực suốt ngày, rất ít khi ở nhà nên cũng chẳng biết mọi người có vấn đề gì. Nhưng nếu tính 10 ngày em ở nhà thì có đến 7 ngày chị dâu với bác gái hục hoặc với nhau, hoặc 2 vợ chồng lại lục đục cãi vã. Có hôm em về đến cửa đã thấy bát đũa, thức ăn tung tóe trên sàn. Bên trong 2 anh chị cãi nhau um lên. 1 lúc sau thì bác gái đi ra. Bác nói đổng: “Người đâu mà vụng quá thể!”.

Ảnh minh họa

Anh họ đi qua đá cái bát vỡ dưới chân quát: “Đổ hết sạch đi. Người ta đi làm kiếm tiền cả ngày không kêu mệt thì thôi, mình nhà cả ngày lo bữa cơm cũng không xong. Có nhà ai mà con dâu để bố mẹ chồng nhịn ăn trưa đến quá 11 rưỡi chưa có cơm chưa?”

Em chạy vào dọn chỗ bát đũa. Chị chẳng nói câu gì, cứ cúi đầu khóc. Trưa ấy anh họ hục hoặc bỏ ra ngoài mua đồ ăn sẵn cho cả nhà, không ai chịu chờ chị Hoa nấu lại đồ ăn nữa.

Buổi trưa em lên sân thượng thấy chị đang phơi quần áo có hỏi chuyện. Chị bảo: “Chị có biết dọc mùng dưới này là phải bóp muối đâu. Cứ nghĩ nó chẳng ngứa như trên quê mình. Anh đi đám cưới về vào bếp nếm thử thấy ngứa liền quẳng cả bát xuống đất luôn. Có tí rượu vào rồi nên anh quát chị um lên, làm cho mẹ cũng xúm vào mắng chị”.

Em chỉ biết nói: “Dạ tính 2 bác cũng cẩn thận, tỉ mỉ, chị đừng buồn. Lần sau không biết gì chị cứ hỏi bác trước rồi hẵng làm”.

Thư thư được 1 thời gian mọi chuyện yên ả thì lại đến lúc chị có bầu, sinh con. Cả nhà lúc nào cũng loạn hết lên.

Chẳng là từ ngày chị Hoa về, bác gái em không còn thuê giúp việc nữa. Xưa nay bác quen sống có người hầu hạ, nên giờ con dâu đẻ không có ai lo việc nhà cửa thì thấy bực. Nhất là khi mẹ đẻ chị Hoa không xuống được Hà Nội chăm con gái vì nghe đâu bác ấy bị ngã gãy chân.

Hôm nào ở nhà em cũng nghe thấy bác gái càm ràm. Mỗi lúc lên phòng chơi với chị và cháu, em toàn thấy chị khóc, kêu tủi thân với nhớ nhà. Lắm hôm em thức khuya ôn thi ngó sang bên phòng thấy có mình chị đang bế rong con.

Mỗi khi ấy em chỉ biết động viên chị cố gắng chăm con, đợi đến khi nó cứng cáp rồi xin việc đi làm cho khuây khỏa.

Có 1 hôm chị kêu em bế con giùm để đi chợ. Chiều hôm đó về chị ít nói hẳn, chốc chốc chỉ thở dài. Em bắt chuyện mãi chị mới nói, nhưng lại trả lời không đúng với câu hỏi của em: “Tối nay mấy giờ anh Khang về hả chị?”.

Chị bảo: “Sắp đến Tết rồi. Tầm này ở nhà chị vui lắm. Mẹ chị toàn sai mang măng rừng xuống chợ bán, còn chị gái thì ở nhà dệt váy cho các em. Ra phố thấy người ta tấp nập mua sắm quần áo, làm tóc, làm móng,… mà mình thì cứ tù túng mãi trong căn nhà này. Đời sao mà cay đắng quá!”.

Rồi chị vừa hát vừa khóc. Em cứ ngẩn ra như đứa mất hồn, tại chưa bao giờ trông thấy chị dâu như thế.

Tối đó anh họ về em cũng có kể lại chuyện chị dâu ở nhà hay buồn. Em bảo anh quan tâm tới chị nhiều hơn, không kẻo phụ nữ sau sinh buồn lắm cũng dễ trầm cảm.

Nhưng anh ấy gắt: “Có mỗi việc ở nhà chăm con mà trầm cảm cái gì!”.

Anh bực bội đi luôn. Em chán nản bỏ về phòng, lúc ấy có loáng thấy bóng chị chỗ đầu cầu thang.

Thật chẳng ngờ sau câu nói ấy, biến cố lại xảy ra trong gia đình nhỏ này. Cách đó mấy ngày, em bận thi cử quá chẳng để ý được gì. Ở nhà cháu hay quấy, với lắm việc, em chẳng tập trung được nên có sang nhà bạn ngủ nhờ 1 đêm để hôm sau đi thi luôn.

Sáng đi thi em tắt nguồn điện thoại. Lúc tan giờ ra ngoài mở máy lên mới thấy hàng chục cuộc gọi nhỡ của mọi người. Em bấm máy gọi lại cho mẹ. Mẹ em hốt hoảng nói: “Về đi con, cái Hoa nó tự tử ở nhà. Bố mẹ cũng đang lên nhà 2 bác đây rồi”.

Em lao xe như điên trở về đã thấy rất nhiều người tập trung ở nhà. Chị Hoa mất rồi. Người ta đang khám nghiệm hiện trường. Chị ấy uống thuốc sâu tự vẫn.

Suốt mấy ngày tang chị, đứa con 8 tháng khóc mãi. 2 bác cũng tiều tụy nhiều, còn anh Khang thì chẳng nói chẳng rằng, mặt mày lúc nào cũng thất thần. Nhìn mẹ chị Hoa ngất lên ngất xuống bên quan tài con gái mà em xót lòng. Em nghĩ thương chị, rồi cũng thấy sợ phải lấy chồng.

Đã đến lúc mọi người cần quan tâm hơn đến phụ nữ sau sinh

Theo một thống kê công bố gần đây, tỉ lệ trầm cảm sau sinh đối với các bà mẹ khoảng 10-20%. Tuy nhiên, theo ThS.Bs Trần Thị Mai Thy (Khoa Nội Ngoại thần kinh Bệnh viện Quốc tế City) những người mẹ có các triệu chứng liên quan đến trầm cảm nhưng chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để chẩn đoán trầm cảm sau sinh rất cao, chiếm 70 – 80% tỉ lệ các bà mẹ. Nhóm này được gọi là trầm buồn sau sinh (baby blues) nhưng nếu không được hỗ trợ đúng cách rất có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh.

Tuy nhiên, các biểu hiện trầm cảm ban đầu thường không được gia đình ghi nhận và để ý. Chỉ đến khi nhiều hậu quả đau lòng xảy ra, người ta mới nghĩ lại về các dấu hiệu gợi báo của bệnh.

Trong khi đó, TS. BS. Phạm Thị Việt Hương (Khoa Nhi, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều) thì rằng trầm cảm sau sinh chủ yếu là do người mẹ bị bỏ rơi.

"Nghiên cứu cho rằng nguyên nhân là do giảm lượng hormone sau sinh. Tuy nhiên một thực tế đau lòng là nguyên nhân chủ yếu gây ra trầm cảm sau sinh là do người mẹ bị bỏ rơi, không được động viên tinh thần, chăm sóc thể chất thỏa đáng" - bác sĩ Hương chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Hương, trong xã hội văn minh này, khi mà người ta ra rả nêu khẩu hiệu yêu thương bà mẹ trẻ em thì vẫn có rất nhiều phụ nữ bị đối xử tàn nhẫn ngay trong thai kỳ và những năm tháng nuôi con nhỏ. Sự ghẻ lạnh của người thân (đặc biệt là của chính người chồng, gia đình nhà chồng), việc phải nuôi con nhỏ quá mệt mỏi không có sự trợ giúp. Hay những lời nói mang tính miệt thị như giè bỉu không đẻ được con trai, con xấu, con không giống bố, con dị tật.

Việc sinh nở mất sức khỏe nhưng không được chăm sóc lại còn phải chăm sóc người khác như cơm nước cho chồng con chẳng hạn, công việc cơ quan vất vả, gánh nặng kinh tế…Tất cả đè nặng lên thể xác và tinh thần người mẹ trẻ.

Đáng tiếc là rất nhiều người mẹ trẻ thay vì được chăm sóc yêu thương lại còn bị bạo hành ngay trong thời gian nuôi con nhỏ, bị sỉ nhục, bị ngược đãi, bị cô lập, thậm chí bị dọa ly hôn, dọa bị chia con, dọa bị ra khỏi nhà tay trắng...

Trong hoàn cảnh này, họ không phải là ngay lập tức tìm đến cái chết để giải thoát. Họ nghĩ đến cha mẹ đẻ và những người yêu thương họ. Nhưng phụ nữ Việt Nam nói riêng, phụ nữ Phương Đông nói chung vẫn theo nếp nghĩ cổ xưa: “Lấy chồng là con nhà người ta, có thế nào cũng không được làm bố mẹ mình buồn lo về mình”.

Có những người phụ nữ giầu nghị lực và sự chịu đựng phi thường thì họ không tìm đến cái chết. Tuy nhiên họ sống mà đem theo nỗi đau dai dẳng không dễ gì liền được. Chứng trầm cảm này chuyển sang “mạn tính”.

Bác sĩ Hương cho rằng chữa bệnh cho những phụ nữ này không thể dùng thuốc, mà phải dùng tình thương thực sự. Và để có tình thương thực sự thì những người trót phạm tội ác phải đủ dũng cảm nhận thức ra tội ác của mình trong quá khứ đã gây ra cho người phụ nữ, thay vì kết tội người phụ nữ "cả nghĩ", "suy nghĩ không tích cực".

Tổng hợp

CHIA SẺ BÀI NÀY
BÌNH LUẬN
chuyen muc lam dep
video lam dep