Cô bạn tôi thương 1 người con trai vừa tròn 10 năm, 10 năm so với đời người quá ngắn nhưng so với cô gái ở độ tuổi đôi mươi thì ngót ½ cuộc đời gắn bó. Bạn tôi thường nói cô đã sống hết mình cho tình yêu của mình, đấu tranh hết mình để ở cạnh người yêu, đến ngày chia tay chẳng ai trong 2 người nuối tiếc, thế nhưng mỗi lần yếu lòng cô lại tự hỏi vì sao người ta ra đi.
Tôi hỏi cô buông bỏ chưa, cô chỉ cười, có lẽ cô cũng hiểu buông bỏ chính là chấp nhận sự thật rằng rồi 2 người sẽ đi 2 con đường khác nhau, sẽ có con, lấy vợ/lấy chồng nhưng không phải lấy nhau. Mộng ước 10 năm tan vỡ, ai thấu được cô nghĩ gì mỗi đêm?
Một ngày nọ, cô nói cô bỏ rồi, bỏ quá khứ vào lọ, bỏ lòng mình trôi sông. Cô cười nói “hết duyên”. Tôi hiểu, “hết duyên” là hết hẳn, bởi xưa nay có duyên vô phận đâu thiếu ở đời.
Ảnh minh họa
Tôi chợt nhớ tới câu chuyện:
“Có một anh chàng đau khổ vì bị người yêu bỏ đi lấy chồng, anh ta chán nản nên tìm lên chùa và hỏi 1 vị sư thầy:
Tại sao con yêu cô ấy nhiều như thế mà cô ấy vẫn đi lấy người khác?
Thấy vậy, sư thầy mỉm cười và cho anh chàng xem qua một chiếc gương. Trong đó có cô gái đẹp khỏa thân nằm chết bên đường.
Mọi người đi qua đều bỏ đi...
Chỉ có anh chàng dừng lại nhưng cũng chỉ đắp cho cô gái ấy 1 cái áo rồi cũng bỏ đi.
Mãi sau có 1 chàng trai khác đến và đem xác cô gái đi chôn.
Sư thầy nhìn anh chàng và nói:
"Kiếp trước anh mới chỉ là người đắp áo cho cô ấy thôi. Còn người chồng cô ấy lấy bây giờ chính là người kiếp trước đã chôn cô ấy, đó chính là chữ nợ, anh chỉ có duyên với người con gái ấy thôi”.
Người ta thường nói, người vợ ở kiếp này là người bạn chôn kiếp trước, tới trả ơn cho bạn. Đứa con trai ở kiếp này, là chủ nợ của bạn ở kiếp trước, tới để đòi món nợ chưa trả. Đứa con gái ở kiếp này, là người tình ở kiếp trước, tới vì tình cảm chưa dứt.
Người tình kiếp này, là vợ chồng của kiếp trước, tới nối tiếp phần duyên phận chưa đứt. Hồng nhan tri kỷ của kiếp này, là anh em của kiếp trước, tới chia sẻ những tâm sự chưa nói hết.
Người giàu có kiếp này là người giàu lòng thiện kiếp trước, tới nhận phần công đức đã phát ra kiếp trước.
Phật nói: Nếu không nợ nhau, làm sao gặp gỡ.
Bạn có biết vì sao hai người vừa gặp nhau trong giây lát đã tin tưởng và yêu say đắm?
Vì sao có đôi vợ chồng người vợ bị đánh đập, mắng chửi tàn nhẫn nhưng vẫn tận tâm chăm sóc chồng không bỏ?
Vì sao có người luôn quan tâm lo lắng và hết mực yêu thương người bạn ngoài đời hơn cả chính mình?
Tất cả là vì nợ - duyên vẫn còn. Có thể duyên đó đến trong giây lát rồi biến mất và cũng có thể duyên đó tồn tại mãi mãi đến kiếp sau vì trong duyên đó còn có nợ. Bởi vậy có người ở lại với bạn 10 năm, có người 1 năm, có người 1 thoáng nhưng cũng có người là cả đời.
“Chúng ta phải nợ nần nhau nếu không lấy gì hoài niệm”, nếu người ta ra đi hãy để họ đi, nếu người ta ở lại hãy đối đáp chân thành, đấy là cách tốt nhất để gieo thiện duyên kiếp này, chờ duyên lành kiếp trước.
Với câu hỏi: 10 năm sao buông bỏ, bạn đã có câu trả lời của mình chưa?
St