Kênh Phụ Nữ Kênh Phụ Nữ

Đàn bà sướng hay khổ nằm ở... mẹ chồng

KENHPHUNU.COM  | 21:00 , 12/12/2017
Đàn bà sướng hay khổ nằm ở... mẹ chồng

Chị nghĩ người phụ nữ hơn nhau không chỉ ở tấm chồng tốt mà còn là gặp được người mẹ chồng tâm lý. Trong mắt chị, mẹ chồng nhiều khi còn gần gũi hơn cả mẹ đẻ.

App hoa anh đào

Cuộc đời xe duyên cho anh chị quen biết nhau rồi yêu. Biết anh yêu chị, gia đình anh tỏ ý không hài lòng vì đã ướm sẵn cho anh một cô gần nhà mong sớm tối ở bên cạnh ông bà. Sau anh thuyết phục bố mẹ cũng xuôi lòng, còn chị vẫn lo sợ chưa về làm dâu đã gặp phải sự phản đối thì về khó sống êm đẹp với nhà chồng.

Anh đưa chị về ra mắt bố mẹ họ hàng, lòng chị lo lắng, anh nắm chặt tay chị trấn an: “Em đừng lo, bố mẹ anh hiền lành chân chất lắm”. Về tới đầu cổng thấy bóng mẹ anh đứng đợi, bà đỡ túi đồ trên tay chị nói: “Cháu đưa bác cầm cho không mỏi, đi lại đường xá xa xôi mệt rồi, vào rửa mặt mũi chân tay cho mát mẻ, bụi đường lấm lem hết cả. Mẹ sốt ruột mong chúng mày từ sớm tới giờ”. Chị lúng túng đưa túi đồ cho mẹ anh, bước theo sau. Phút gặp đầu tiên, chị có thiện cảm với sự chân thật, thân thiện của mẹ anh.

Anh dẫn chị ra giếng, thau nước sạch mát, bánh xà phòng thơm, khăn mặt sạch tinh tươm được mẹ anh chu đáo chuẩn bị trước. Anh khẽ nói: “Em thấy mẹ tuyệt vời không? Mẹ sống nhân hậu, cả đời hy sinh, lo toan cho gia đình. Sau em nhớ quan tâm yêu thương mẹ nhiều vào nhé!”. Chị gật đầu nhưng trong lòng không vui, cảm thấy gánh nặng trách nhiệm anh sắp đặt lên vai chị. Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu xưa nay mong đầm ấm thuận hòa đã khó nói gì đến yêu thương.

Trong bữa cơm, bà luôn tay gắp thức ăn vào bát chị: “Cháu ăn đi, đã về nhà bác thì sau này là con cháu trong nhà, đừng làm khách không đói. Cha mẹ nào không mong con lấy chồng lấy vợ gần nhà cho quây quần sum họp thêm phần được nhờ cậy khi tuổi già ốm đau. Nhưng nay các con thương nhau xa hai bác cũng tán thành, ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên con”. Chị thấy mắt mình ươn ướt vì vui, cảm động.

Ảnh minh họa

Đi đường xa mệt, chị ngủ trưa say li bì. Tỉnh dậy nhìn đồng hồ chỉ 5 giờ chiều, chị vội vàng xuống bếp. Vừa thấy bóng chị, mẹ anh đang lúi cúi giã cua liền dừng tay: “Dậy rồi đấy à, đã thấy người hết mỏi chưa? Bác đang chuẩn bị nồi riêu cua, thằng Tùng thích món này lắm, nó kêu ở phố người ta nấu không ngon, không ngọt nước như mẹ”. Rồi bà kể chị nghe những món ăn anh thích, cách nấu thế nào, bà nói người đàn bà biết khéo léo nấu cơm ngon canh ngọt thì người chồng đi đâu cũng nhớ về mái ấm gia đình.

Chị vào bếp nấu cơm, bà đẩy chị ra nói: “Con muốn giúp thì ở ngoài làm rau, bếp rơm rạ nấu không quen lát cay xè hết mắt lên thì khổ. Con nhìn xem bồ hóng nhiều lắm, không cẩn thận là rơi đầy đầu. Nhà bác nghèo, con về làm dâu cũng thiệt thòi, thôi hai đứa thương nhau thì bảo ban cùng cố gắng…”. Chị nghe cảm giác thương mẹ anh đến nao lòng.

Bố mẹ anh lên xin phép bố mẹ chị cho chị về làm dâu con trong nhà. Anh chị bàn với nhau làm vài ba mâm gọi là báo hỷ với họ hàng, mẹ anh không đồng ý muốn lo đám cưới đủ đầy trọn vẹn cho chị về làm dâu không phải tủi thân. Mẹ anh đeo chiếc nhẫn vào tay chị nói: “Mẹ có ít cho con, gọi là cho hai vợ chồng có chút vốn làm ăn”. Chị xúc động ôm mẹ chồng khóc, nước mắt ướt nhòe lớp son phấn. Người nào không biết chứng kiến cảnh này dễ tưởng nhầm mẹ đẻ tiễn con gái về nhà chồng.

Sau ngày cưới, vợ chồng chị lên thành phố làm ăn, thỉnh thoảng hai vợ chồng về quê thăm bố mẹ. Chị về hay mua quà cáp, biếu mẹ chồng ít tiền ăn quà, mẹ chồng không mấy khi nhận thường mắng chị: “Các con đi làm vất vả, tiền ở đâu mà mua với bán. Hai vợ chồng mày khi nào mua được cái nhà cái cửa mẹ mới yên tâm được. Mẹ thương chúng mày lắm nhưng lực bất tòng tâm. Bố mẹ còn khỏe còn tự lo được...”.

Đến ngày hai vợ chồng chuẩn bị đi là mẹ chồng tất bật chạy ngược xuôi chuẩn bị nào gà, nào gạo, bánh trái bắt anh chị đùm núm theo. Bà bảo: “Mẹ biết thành phố muốn mua cái gì cũng sẵn có, nhưng làm sao ngon bằng đồ quê được lại còn đắt đỏ. Các con chịu khó cầm đi”. Nói thật đi đường xa thêm mấy thứ lỉnh kỉnh này bất tiện nhưng hiểu tấm lòng mẹ chồng, chị không dám từ chối.

Vợ chồng trẻ thêm gánh nặng lo toan cơm áo gạo tiền không tránh khỏi bất đồng mâu thuẫn. Biết chuyện, mẹ chồng gọi điện lên dặn chị: “Thương chồng yêu con không đi đâu mà thiệt con ạ, cơm sôi thì bớt lửa, đàn bà có xây tổ ấm thì đàn ông mới yên tâm xây nhà”. Mẹ chồng rất công bằng, dặn chị xong liền dặn con: “Con trai phải sống rộng rãi phóng khoáng, đừng chấp nhặt vợ con, cố gắng làm cột trụ vững chắc trong gia đình”. Trong mắt chị, mẹ chồng nhiều khi còn gần gũi hơn cả mẹ đẻ.

Thời điểm chị cảm nhận sâu sắc nhất tình cảm mẹ chồng dành cho con dâu là ngày chị sinh con đầu lòng. Mẹ chồng lên thành phố chăm hai mẹ con chị, tự tay bà vệ sinh cho chị gần tháng trời. Bà nấu cháo chân giò, hầm chim bồ câu cho chị ăn liên tục. Sợ chị ngán, trước bữa ăn bà nói: “Con phải cố ăn nhiều vào, khỏe mới có sữa cho thằng bé bú”.

Thấy mẹ chồng luôn tay luôn chân, còn mình cứ nằm lì trên giường, chị ngại, chị lén lấy quần áo hai mẹ con tự giặt. Biết chuyện mẹ chồng mắng chị: “Ai bảo con làm những việc này. Ngày xưa mẹ không được kiêng cữ cẩn thận nên khi trái gió trở trời là mệt mỏi, con cố tự chăm sóc mình cho tốt không sau khổ. Mọi việc đã có mẹ lo”.

Những khi biết cháu ốm đau, mẹ chồng không ngại xa xôi lên thăm cháu ngay. Bà nói với vợ chồng chị: “Hay hai vợ chồng cho con về quê, ông bà có thời gian chăm sóc cho, tuổi đầu đã bắt đi nhà trẻ khổ thân nó. Khi nào con cứng cáp, ngoài 2 tuổi thì vợ chồng về đón con lên đi học. Mẹ còn nhà cửa, còn ông ở quê đâu thể ở mãi với vợ chồng mày trên này được...”. Mẹ chồng luôn lo toan chu toàn mọi việc như thế, lo cả những việc chị chưa kịp nghĩ tới.

Về làm dâu được hơn 3 năm, chưa khi nào hai mẹ con va chạm, chị luôn cảm phục suy nghĩ của mẹ chồng. Mẹ chồng bảo chị: “Mẹ coi con dâu như con cái trong nhà, xét nét con dâu chỉ làm khổ con trai mẹ. Ngày xưa mẹ cũng từng đi làm dâu, cũng từng chịu cay đắng, nên mẹ hiểu. Phận đàn bà bao giờ cũng thiệt thòi, sướng khổ hơn nhau ở tấm chồng tốt. Con cứ coi đó là may mắn của đời mình, làm động lực mà sống cho vui vẻ, hạnh phúc là được”. 

Chị ôm mẹ chồng òa khóc, nỗi sợ làm dâu tan biến hết. Chị nghĩ người phụ nữ hơn nhau không chỉ ở tấm chồng tốt mà còn là gặp được người mẹ chồng tâm lý.

ST

CHIA SẺ BÀI NÀY
  • tag
BÌNH LUẬN
chuyen muc lam dep
video lam dep