Kênh Phụ Nữ Kênh Phụ Nữ

Lưu ý hội chứng đau bụng dưới ở phụ nữ

KENHPHUNU.COM  | 09:00 , 01/03/2019
Lưu ý hội chứng đau bụng dưới ở phụ nữ

Hội chứng đau bụng dưới thường có các triệu chứng tiết dịch âm đạo, đau, chảy máu khi giao hợp và sốt. Hội chứng này bao gồm cả tình trạng nhiễm khuẩn sinh sản và các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.

App hoa anh đào

Tất cả các phụ nữ có hoạt động tình dục bị đau bụng dưới cần phải được đánh giá cẩn thận để tìm các dấu hiệu viêm tiểu khung. Đau bụng dưới do nguyên nhân nhiễm lậu cầu khuẩn Neisseria gonorrhoeae, Chlamydia có nguy cơ dẫn đến vô sinh.

Tuy nhiên, đau bụng dưới có thể do một số bệnh cấp cứu ngoại khoa và sản phụ khoa, vì vậy cần được khám xét cẩn thận để có chẩn đoán và chỉ định điều trị đúng.

Đặc điểm hội chứng đau bụng dưới và chẩn đoán bệnh

Hội chứng đau bụng dưới của phụ nữ có tính chất đau tùy thuộc vào thể cấp tính hoặc mạn tính. Trường hợp đau cấp tính phải loại trừ các bệnh cấp cứu ngoại khoa hoặc sản phụ khoa như viêm ruột thừa, u nang buồng trứng xoắn, có thai ngoài tử cung, lạc nội mạc tử cung vỡ...

Trường hợp đau mạn tính không theo chu kỳ thường có liên quan đến viêm tiểu khung, viêm phần phụ...; nguyên nhân gây đau bụng dưới liên quan đến viêm tiểu khung thường do nhiễm lậu cầu khuẩn Neisseria gonorrhoeae, Chlamydia trachomatis, vi khuẩn kỵ khí, vi khuẩn Gram âm và liên cầu khuẩn Streptococcus.

Triệu chứng lâm sàng của hội chứng đau bụng dưới thường có biểu hiện đau phần bụng dưới liên tục hoặc gián đoạn, nhẹ hoặc nặng, đau và chảy máu khi giao hợp, có tiết dịch âm đạo, có thể sốt hoặc thân nhiệt vẫn bình thường; tuy nhiên các dấu hiệu lâm sàng của trường hợp viêm tiểu khung có sự thay đổi và có thể không rõ ràng.

Cần phải khai thác tiền sử và bệnh sử của người bệnh đầy đủ theo quy định; chú ý sự liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, biện pháp tránh thai đang sử dụng, tình trạng thai nghén. Khám lâm sàng phải thực hiện đúng theo quy trình.

Khi khám bệnh cần đặc biệt chú ý đến tình trạng tiết dịch mủ hoặc chất nhầy ở âm đạo và cổ tử cung; khám bằng hai tay để xác định kích thước tử cung, biểu hiện đau khi di động cổ tử cung và tình trạng của các phần phụ, có ra máu ở găng tay khi khám hay không; xác định xem có một hoặc hai vòi tử cung sưng to hay cứng, có khối đau nhạy cảm ở hố chậu, có phản ứng thành bụng hoặc đau nhạy cảm thành bụng hay không.

Đồng thời cần thực hiện các xét nghiệm hỗ trợ ở tuyến y tế quận, huyện, thị xã, thành phố như công thức máu, tốc độ lắng máu, nhuộm Gram dịch cổ tử cung và âm đạo, siêu âm, thử nghiệm test thai nghén... để giúp cho việc chẩn đoán xác định bệnh.

Chẩn đoán phân biệt Với các đặc điểm của hội chứng đau bụng dưới giúp cho việc chẩn đoán xác định đã được nêu ở trên, để tránh nhầm lẫn cần chẩn đoán phân biệt với các trường hợp cấp cứu ngoại khoa và sản khoa như: viêm ruột thừa cấp tính, tắc ruột, u nang buồng trứng xoắn, có thai ngoài tử cung, nhiễm khuẩn đường tiết niệu và các nguyên nhân khác...

Chẩn đoán viêm tiểu khung cần dựa vào các triệu chứng như: có thể sốt; tiết dịch nhiều, dịch nhầy mủ ở âm đạo và cổ tử cung khi khám; đau khi di động cổ tử cung và khi giao hợp; đau ở cả hai bên, đau nhiều hơn ở một bên; đau bụng dưới và bên cạnh tử cung, có khối sưng dính vào tử cung, tốc độ lắng máu tăng và số lượng bạch cầu tăng.

Người bệnh cần được xét nghiệm để phát hiện các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục khác và phát hiện nguyên nhân bệnh nếu có điều kiện xét nghiệm hỗ trợ.

Xử trí điều trị

Nếu xác định được nguyên nhân gây bệnh thì điều trị theo nguyên nhân. Nếu không xác định được nguyên nhân gây bệnh thì điều trị đồng thời toàn bộ các nguyên nhân gây viêm, phối hợp 3 phác đồ sau đây:

Điều trị bệnh lậu: dùng một trong các loại thuốc: Ceftriaxon 250mg, tiêm bắp thịt liều duy nhất.  Spectinomycin 2g, tiêm bắp thịt liều duy nhất. Cefotaxim 1g tiêm bắp thịt liều duy nhất. Cefixim 200mg uống 2 viên liều duy nhất.

Điều trị Chlamydia: dùng một trong các loại thuốc: Doxycyclin 100mg, uống 1 viên, uống 2 lần mỗi ngày, uống trong 14 ngày. Tetracyclin 500mg, uống 1 viên, uống 4 lần mỗi ngày, uống trong 14 ngày. Azithromycin 1g, uống 1 lần mỗi tuần, uống trong 2 tuần.

Chú ý không được dùng thuốc Doxycyclin cho phụ nữ có thai, đang cho con bú và có thể thay thế bằng một trong các loại thuốc: Erythromycin stearat 500mg, uống 1 viên, uống 4 lần mỗi ngày, uống trong 14 ngày. Amoxicillin 500mg, uống 1 viên, uống 3 lần mỗi ngày, uống trong 14 ngày.

Điều trị viêm nhiễm do vi khuẩn kỵ khí: dùng thuốc Metronidazol 500mg, uống 1 viên, uống 2 lần mỗi ngày, uống trong 14 ngày. Chú ý không dùng thuốc Metronidazol cho phụ nữ có thai trong ba tháng đầu mà thay thế bằng thuốc Amoxicillin 500mg, uống 1 viên, uống 3 lần mỗi ngày, uống trong 14 ngày. Không được uống rượu trong thời gian điều trị cho tới sau khi hết thuốc được 24 giờ.

Nguồn: Theo Phụ nữ Sức khỏe

CHIA SẺ BÀI NÀY
BÌNH LUẬN
chuyen muc lam dep
video lam dep