Kênh Phụ Nữ Kênh Phụ Nữ

Lý Giải Vì Sao Tiêm Chất Làm Đầy Lại Gây Mù Mắt

KENHPHUNU.COM  | 09:00 , 25/11/2018
Lý Giải Vì Sao Tiêm Chất Làm Đầy Lại Gây Mù Mắt

Thời gian gần đây, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy… liên tục tiếp nhận giải quyết các ca biến chứng nặng vì tiêm filler. Đáng tiếc, không ít cô gái trẻ đã bị mù chỉ vì tiêm filler vào mũi.

App hoa anh đào

Ham làm đẹp giá rẻ, nhiều người biến chứng vì tiêm filler

Chiều tối 16/11, một phụ nữ 18 tuổi (quê tỉnh Tiền Giang, đang sống ở quận Gò Vấp, TPHCM) được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị biến chứng đau nhức, sưng tím vùng da quanh trán, mũi, mắt phải mờ dần sau khi tiêm chất làm đầy filler.

PGS.TS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, người phụ nữ khai được chồng tiêm filler nâng mũi. "Người chồng vốn không biết gì về y khoa, chỉ vừa học xong khóa tiêm filler tại một bệnh viện thẩm mỹ tư nhân ở TPHCM, tự mua filler rồi về thực hành trên cô vợ 18 tuổi", PGS.TS Đỗ Quang Hùng cho biết. Được biết, anh chồng này mua filler với giá 1,2 triệu đồng. 

Mũi tiêm của người chồng đã đưa filler vào động mạch võng mạc trung tâm. Khoa Tạo hình thẩm mỹ đã hội chẩn với Khoa Mắt của Bệnh viện Chợ Rẫy và chẩn đoán bệnh nhân bị tắc động mạch trung tâm võng mạc dẫn đến biến chứng mù ngay lập tức, kèm theo đau nhức. Bệnh nhân cho biết trước khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy, họ đã đưa nhau đến vài tiệm spa để được tiêm thuốc giải filler nhưng không thành công. Nạn nhân cũng không mang theo chai thuốc chứa chất làm đầy nên các bác sĩ không biết rõ người chồng đã tiêm loại filler nào vào mũi vợ.

Theo PGS.TS Đỗ Quang Hùng, chỉ trong 2 tháng, khoa Tạo hình thẩm mỹ đã tiếp nhận 2 trường hợp mù do tiêm filler. Đây cũng là nơi thường xuyên tiếp nhận các trường hợp biến chứng sau tiêm filler, điển hình là các biểu hiện sưng tím, tắc da hoại tử do tắc mạch vùng mũi.

Tháng 9/2018, chị H.T.H (23 tuổi) phải vào Bệnh viện Da liễu Trung ương cấp cứu vì biến chứng nặng sau tiêm filler tại một cơ sở spa ở Hà Nội. Khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng méo cằm, lệch má, mũi bị chèn ép hình thành ổ mủ, vết bầm tím lan rộng, tắc mạch nguy cơ hoại tử cao.

Trước đó vài tuần, một bệnh nhân ở Phủ Lý (Hà Nam) cũng phải đến Bệnh viện Da liễu Trung ương “cầu cứu” do xuất hiện các vết bầm tím và ngày càng lan rộng từ mũi sang hai bên má, dưới vùng mắt. Bệnh nhân cho biết có tiêm filler được quảng cáo là “xách tay” từ Hàn Quốc.

Đầu tháng 7/2018, chị N.T.T (30 tuổi, ở Hà Nội) đến bệnh viện này khám và điều trị vì biến chứng do tiêm filler.

Trước đó 4 ngày, bệnh nhân đã tiêm filler vào vùng mũi (Meline volume lidocain, dung tích dưới 1ml) bởi một nhân viên spa (không phải nhân viên y tế) ở Hà Nội. Sau khi tiêm vài giờ, bệnh nhân xuất hiện bầm tím vùng đỉnh mũi, đau tức mũi nhẹ. Hôm sau, vết bầm tím lan rộng sang vùng sống mũi, lên góc giữa hai cung mày, tình trạng đau nhức giảm. Sau thăm khám, bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị tắc mạch do chất làm đầy gây tổn thương xuất huyết ở vùng đỉnh, sống mũi và góc giữa hai cung mày, ấn kính không mất màu; mật độ mềm, không nóng đỏ.

9 loại filler, chỉ có 1 loại có chất giải

TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mĩ (Bệnh viện Trưng Vương) cho hay, tiêm chất làm đầy ở vùng mũi là một trong những nơi dễ gặp biến chứng nhất, chiếm tỷ lệ cao nhất trong phẫu thuật làm đẹp ở vùng mặt.

Theo vị chuyên gia này, mũi là trung tâm của một tam giác nguy hiểm, với đỉnh là rãnh giữa chân mày và 2 cạnh là 2 rãnh mũi má. Nơi đây có động mạch gốc, rồi chia nhánh ra các động mạch, trong đó có động mạch mắt. Khi tiêm chất làm đầy có thể làm tắc các động mạch, dẫn tới mù mắt.

PGS.TS Đỗ Quang Hùng khẳng định, bệnh nhân bị mù mắt do tiêm filler, không có cách nào cứu chữa. Trên thế giới chưa ghi nhận ca nào hồi phục, bệnh nhân sẽ mù vĩnh viễn. Không chỉ thế, bệnh nhân sau khi tiêm filler có biến chứng phải theo dõi sát, dài ngày để xem các loại biến chứng khác.

Theo TS Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương), các ca tai biến đến viện thường do người tiêm filler chọc mũi tiêm vào mạch máu gây tắc mạch, hoặc nếu tiêm quá liều gây chèn mạch máu, dẫn đến hoại tử mô.

"Những ca tai biến này điều trị kéo dài, khó khăn, dù có cố gắng chữa trị thế nào cũng không thể trả lại khuôn mặt như ban đầu mà sẽ để lại sẹo, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ cho người phụ nữ", TS Phạm Cao Kiêm cảnh báo.

Theo BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, chất làm đầy hiện có 9 chủng loại, nhưng chỉ có duy nhất chủng loại Hyaluronic acid là có chất phân giải (chất giải độc), giải phóng chèn ép và thông lòng mạch máu. Nhiều ca bệnh đồng thời phải sử dụng thuốc giãn mạch, chống huyết khối, chống phù nề. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc điều trị sẽ rất khó khăn vì chất làm đầy này đã xâm nhập vào mạch máu, gây phá huỷ tế bào.

Các chuyên gia đều khẳng định: Dù tiêm filler là một thủ thuật không quá phức tạp, nhưng nếu người thực hiện không phải là bác sĩ thì sẽ không có mũi tiêm đúng yêu cầu. Điều đáng báo động được TS Kiêm đưa ra là đang có thực trạng các quán cắt tóc, gội đầu cũng quảng cáo là có thể tiêm filler “xách tay” nước ngoài, giá rẻ khiến nhiều người mù quáng tin theo, bất chấp những rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần tìm kiểu kỹ, tránh tin theo quảng cáo và đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện tiêm filler hay bất kỳ phương pháp làm đẹp nào khác. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc xử lý những cơ sở không có giấy phép, không đăng ký nhưng vẫn tiến hành những thủ thuật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Theo Giadinh.net.vn

CHIA SẺ BÀI NÀY
BÌNH LUẬN
chuyen muc lam dep
video lam dep