Kênh Phụ Nữ Kênh Phụ Nữ

Làm sao để mẹ bầu hết phù chân?

KENHPHUNU.COM  | 17:00 , 08/06/2018
Làm sao để mẹ bầu hết phù chân?

Phù là hiện tượng sưng ở cẳng chân, bàn chân và mắt cá sau một chuyến bay dài hay một ngày phải đứng nhiều. Phù chân nhìn chung là hiện tượng tự nhiên, nhưng đôi khi đó là dấu hiệu của một căn bệnh nguy hiểm.

App hoa anh đào

Có đến 75% chị em phụ nữ khi mang thai, nhất là vào những tháng cuối của thai kỳ đều bị phù chân. Triệu chứng này khiến cho việc đi lại trở nên khó khăn, chân sưng đau khiến nhiều mẹ bầu rất phiền lòng như trường hợp của chị Lan Anh (Ba Đình, Hà Nội): " Sang quý 3 của thai kỳ, hai bàn chân mình sưng lên đáng kể và rất đau, nhìn da căng mọng, cảm giác chỉ cần chạm tay nhẹ vào thôi là máu có thể bật ra rồi, trông chẳng khác gì "chân voi", mấy tháng trước ông xã mình hay massage chân cho vợ thì giờ cũng không dám chạm vào sợ lỡ tay làm vợ đau. "Chân voi" này làm mình khốn khổ, xỏ vào giày thì chẳng còn đôi nào vừa, đi một đoạn ngắn cũng như tra tấn, thời gian này hầu như mình toàn ngồi với nằm thôi. Mong mong nhanh qua nốt tháng cuối này để bàn chân hết phù chứ cứ thế này mình chết khiếp mất".

Triệu chứng phù chân rất phổ biến trong thai kỳ, hầu như mẹ nào cũng gặp phải nhưng có một tin vui dành cho mẹ Lan Anh cũng như các mẹ khác đó là có những mẹo nhỏ hữu hiệu có thể áp dụng để giảm sưng tấy và đau nhức cho "gót sen" của mẹ. Các mẹ cùng tìm hiểu nguyên nhân của chứng bệnh này và tham khảo một số biện pháp để khắc phục nhé!

Nguyên nhân gây phù chân ở thai phụ

Theo các chuyên gia, một trong các nguyên nhân khiến mẹ bị chứng phù chân cũng như có kích cỡ giày lớn hơn trong thai kỳ là do sự sản sinh của hormone Relaxin. Hormone này làm cho các dây chẳng ở chân trở nên lỏng lẻo và giãn ra, đây chính là nguyên nhân khiến bàn chân của mẹ lớn hơn.

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể mẹ sản xuất thêm 50% lượng máu và chất lỏng bổ sung để giúp mẹ "làm mềm" cơ thể, cho phép cơ thể mẹ có thể "nở rộng" ra để đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi. Chính điều này gây nên hiện tượng phù nề cho mẹ bầu.

Trong một số trường hợp, tăng cân cũng có thể ảnh hưởng tới bàn chân của mẹ. Trong thời gian 9 tháng 10 ngày mang thai, trọng lượng của mẹ có thể tăng từ 9- 12 kg, thậm chí có mẹ tăng gần 20kg. Chính sự tăng vọt về trọng lượng này đã gây sức ép lên đôi chân của các mẹ bầu và là một trong các nguyên nhân khiến bàn chân bị sưng phù. 

Ngoài ra, sưng tay chân chính là do sự gia tăng áp lực trong các tĩnh mạch. Càng về những tháng cuối, thai nhi sẽ lớn dần làm tăng áp lực trong ổ bụng và tạo nên một lực ép khá lớn lên các tĩnh mạch vùng chậu làm cho máu khó chảy trở về tim được.

Các bác sĩ cũng cho biết thêm rằng nhiệt độ, thời tiết hay các hoạt động thể chất cũng có thể ảnh hưởng tới bàn chân của mẹ, bàn chân cũng có thể thay đổi hình dạng và tăng kích thước đến 5% tùy thuộc vào mẹ đang đi bộ, ngồi hoặc đứng và trong thời gian bao lâu.

Chân sưng phù có thể là dấu hiệu của chứng bệnh nghiêm trọng?

Sưng ở chi dưới bao gồm bàn chân, bắp chân, mắt cá và thậm chí cả ở tay là khá phổ biến trong thai kỳ. Với những trường hợp này, nếu nghỉ ngơi hợp lý, các dấu hiệu sưng sẽ giảm dần. Tuy nhiên, nếu mẹ bị sưng phù lâu ngày, dù đã nghỉ ngơi mà vẫn không giảm bớt thậm chí kèm theo đau đầu, rối loạn thị giác, mờ mắt, đau bụng...thì khả năng cao là mẹ nằm trong 10% các mẹ bầu có hiện tượng sưng phù là tín hiệu của tiền sản giật. Tiền sản giật là một hội chứng của cao huyết áp trong thai kỳ và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho mẹ như suy yếu hệ thống thần kinh, thận, mạch máu cũng như không cung cấp đủ oxy cho thai nhi...

Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng này, mẹ bầu cần đến ngay bệnh viện, các bác sĩ sẽ kiểm tra nước tiểu để xác định chính xác mẹ có mắc tiền sản giật hay không. Chân sưng phù nhưng nước tiểu của mẹ không chứa protein và huyết áp cao thường là lành tính. Còn nếu như mẹ mắc chứng tiền sản giật, bác sĩ có thể áp dụng một số biện pháp như nghỉ ngơi tại giường hoặc thậm chí nhập viện nếu tình hình nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi, các mẹ đừng chủ quan, hãy quan sát các dấu hiệu của cơ thể và đến ngay bác sĩ nếu thấy bất cứ dấu hiệu bất thường đi kèm với phù chân tay để có được sự điều trị kịp thời nhất nhé.

Bí kíp giúp giảm phù nề đôi bàn chân

Để giảm thiểu tình trạng phù nề chân, tay và mang lại sự thoải mái, các mẹ thử áp dụng một số biện pháp "nhỏ mà có võ" dưới đây nhé.

- Lựa chọn cẩn thận giày đi trong thời gian mang thai: Các mẹ bầu trẻ mang thai lần đầu tiên chưa có kinh nghiệm rất dễ mắc sai lầm khi không quan tâm đến cỡ giày dép sao cho phù hợp với trọng lượng của từng thời kỳ. Mang giày quá chật sẽ khiến chân phù nề càng trở nên đau và khó chịu, thậm chí còn gây nên chứng viêm tấy kẽ chân, chai, sần ngòn chân. Mẹ không nên đi sandal hoặc dép xỏ ngón bởi thiết kế của chúng không hỗ trợ, nâng đỡ hết được cả bàn chân, đặc biệt mẹ cần tránh sử dụng giày cao gót khi đang mang thai. Thay vào đó, mẹ nên chọn đi những loại giày thỏa mái, có thể hở rộng một chút, đế thấp và lưu ý không nên đi giày dép trong thời gian dài. Khi có điều kiện mẹ nên tháo giày để tạo cho chân cảm giác thoải mái, máu dễ dàng lưu thông.

- Chọn tất đúng kích cỡ: Đi tất quá chật sẽ khiến chân thêm sưng phù. Ngoài ra mẹ cũng nên chú ý đến chất liệu của tất. Tất làm từ cotton sẽ tốt cho mẹ bầu, giúp bàn chân có thể "thở" dễ dàng thay vì các loại tất làm từ sợ nylon.

- Chăm sóc đôi bàn chân: Mẹ nhớ thường xuyên cắt móng chân, móng tay, không để chúng quá dài cũng như đâm vào da xung quanh móng. Giảm các vết chai, sần với đá bọt và thường xuyên dưỡng ẩm cho nếu như chân của mẹ bị khô, nứt nẻ.

- Áp dụng một chế độ ăn uống cân bằng: Điều này rất quan trọng đối với thai phụ, nó không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé mà nó còn giúp giảm nguy cơ bị sưng, phù chân. Mẹ nên ăn bổ sung các loại thực phẩm giàu protein như đậu, bơ, cá, thịt...; ăn nhiều rau xanh như cải bắp, đậu lăng, rau bina; các loại trái cây cũng như các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin, canxi và kẽm.

- Giữ cho cơ thể luôn đủ nước: Uống nhiều nước khi mang bầu giúp các hệ tiêu hóa, tiết niệu... hoạt động tốt; đồng thời, phòng tránh được quá trình tích trữ chất lỏng, gây phù. Theo các chuyên gia, mỗi ngày trung bình mẹ cần uống tối thiểu từ 6- 8 cốc nước.

- Không đứng quá lâu trong thời gian dài: Việc đứng im một chỗ trong thời gian dài sẽ khiến các chất lỏng dồn xuống dưới, điều này đồng nghĩa với việc đôi chân của mẹ sẽ càng bị phù nề nặng hơn.

- Đi bộ: Mẹ không nên vì chân sưng phù mà ngại di chuyển. Đi bộ khoảng 20- 30 phút mỗi ngày sẽ giúp bàn chân của mẹ linh hoạt hơn, giảm sưng phù.

- Nằm nghiêng bên trái hoặc nâng cao chân khi ngồi sẽ giảm bớt đau và sưng chân.

- Bơi hoặc ngâm cơ thể trong bồn tắm mát, áp lực của nước lên da sẽ giúp làm giảm sưng.

- Tránh các thức ăn mặn hoặc cay. Muối, đồ ăn mặn làm cơ thể bị trữ nước, tăng phù nề.

Một số cách đơn giản để "nuông chiều" đôi chân của mẹ khi mang thai

Đến những tháng cuối của thai kỳ, khi bụng bầu đã rất lớn, thậm chí nhiều mẹ còn không thể nhìn thấy ngón chân của mình. Đây chính là lúc mẹ có thể nhờ ông xã giúp đỡ để làm dịu đôi bàn chân đang khó chịu của mẹ.

- Nhờ ông xã cắt và "tỉa tót" móng chân giúp mẹ.

- Bôi kem dưỡng ẩm cho chân và ông xã bạn có thể thực hiện một số động tác massage chân hay đơn giản chỉ là xoay bàn chân cũng rất hữu dụng, điều này sẽ giúp đôi chân đang sưng phù của mẹ dễ chịu hơn rất nhiều. 

- Ngâm chân nước mát khoảng 10- 15 phút.

- Kê chân cao lên và thư giãn bằng các bản nhạc hoặc đọc một cuốn sách mà mẹ yêu thích, xem một bộ phim hay....

CHIA SẺ BÀI NÀY
  • tag
BÌNH LUẬN
chuyen muc lam dep
video lam dep