Kênh Phụ Nữ Kênh Phụ Nữ

Những người phụ nữ mong một giấc ngủ đêm trọn vẹn

KENHPHUNU.COM  | 09:00 , 15/06/2015

Khi cả phố phường vẫn còn đang yên giấc ngủ, thì những thân cò ấy lại tất tưởi với công việc gánh cá thuê, kiếm 2.000 đồng mỗi chuyến để nuôi gia đình.

Lầm lũi những “thân cò”
1 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), cũng là lúc nhiều tàu thuyền đánh cá đang cập bến. Đập vào mắt tôi là những núi cá cao ngất, chất đầy trên khoang thuyền mà biển cả đã ban tặng cho những ngư phủ sau nhiều ngày vất vả ngoài khơi xa.
Trong cái không khí se lạnh và màn sương dày đặc của biển Đông lúc sáng sớm, thấp thoáng bóng dáng những người phụ nữ với thân hình còm cõi, cùng đôi quang gánh trên vai, đang hì hục gánh những sọt cá nặng trĩu. Đó là những nữ phu cá - người chuyên gánh cá thuê cho những tiểu thương buôn hải sản, chủ thuyền…
Tâm sự của những người phụ nữ làm nghề phu cá giữa đêm khuya ở Đà Nẵng

Những nữ phu cá bắt đầu làm việc từ lúc 1 giờ sáng (Ảnh: Khương Mỹ) 

Đồ nghề của họ chỉ vẻn vẹn là một đôi quang gánh và 2 chiếc gióng được đan bằng thép để gánh những sọt cá nặng trĩu...Thù lao cho mỗi chuyến từ 2.000 đến 3.000 đồng. Trung bình mỗi ngày một nữ phu cá thu nhập chỉ được 50.000 đến 70.000 đồng.
Những phụ nữ gánh cá thuê ở cảng Thọ Quang đến từ nhiều vùng quê khác nhau, có người quê ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, có người quê ở tận Thừa Thiên- Huế, Quảng Trị, Quảng Bình…thậm chí còn có người phiêu dạt từ các tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào đây kiếm sống...
Mỗi phu cá có một số phận riêng, nhưng tất cả họ đều xuất thân khốn khó, lam lũ nên phải ly hương và lăn lóc kiếm sống bằng cái nghề nặng nhọc… Có lẽ, cũng chính vì vậy mà "đội quân" gánh cá ở đây luôn hoạt động một cách rất trật tự, ai được thuê thì người đó gánh, thậm chí họ còn hỗ trợ lẫn nhau, không bao giờ tranh giành công việc…
Tâm sự của những người phụ nữ làm nghề phu cá giữa đêm khuya ở Đà Nẵng

Nghề phu cá nặng nhọc, vất vả nhưng cũng chính công việc này mà biết bao chị em đã trụ vững, nuôi con ăn học thành tài (Ảnh: Khương Mỹ)

Phu cá, có thể là kế mưu sinh duy nhất của những người phụ nữ ấy, nhưng điều quan trọng hơn hết là khi ở cảng cá này, những đắng cay ngọt bùi ở đời, họ có bạn, có bè tâm sự, để mà san sẻ với nhau. “Chúng tôi luôn đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Mười mấy năm gắn bó ở đây tôi chưa bao giờ thấy ai có lời ra tiếng vào cả. Có lẽ, chính cái nghèo khổ đã đưa đẩy mọi người đến với nhau, đồng cảm, che chở và yêu thương nhau như chị em một nhà”, chị Lê Thị Hồng (38 tuổi, quê thị trấn Phú Đa, Thừa Thiên- Huế), chia sẻ
Mưu sinh trắng đêm nơi đât khách
Mưu sinh bằng cái nghề gánh cá thuê, nên những "thân cò" ấy chẳng bao giờ quản ngại chuyện nắng mưa, khó nhọc. Bởi không đơn giản như những công việc lao động chân tay khác, cái nghề của họ luôn phải bắt đầu vào lúc giữa khuya vào kéo dài mãi cho đến tận 11 giờ trưa hôm sau...
Với thâm niên hơn 30 năm gắn bó với đôi quang gánh nhẵn thín, bà Nguyễn Thị Gái (trú Phường Thuận Phước) là một trong những người gánh cá thuê làm việc lâu năm nhất ở cảng cá Thọ Quang. Cuộc sống cơ cực với đứa con trai tật nguyền và người chồng đau yếu khiến bà dù đã bước qua cái tuổi 70 nhưng hằng ngày vẫn phải đi gánh cá thuê để nuôi cả gia đình...
Nói về cuộc đời mình, bà Gái luôn miệng nhắc đến từ khổ, bà khổ cả khi tâm sự với chúng tôi trong những dòng nước mắt chua xót: “Khổ lắm chú! Tôi sinh ra trong gia đình nghèo nên từ nhỏ đã phải chịu khổ cực. Khi lập gia đình đến chừ ở cái tuổi gần đất xa trời rồi mà cái khổ vẫn chưa chịu buông tha… Chẳng biết bao giờ đời của già mới hết khổ nữa?! ”
Tâm sự của những phụ nữ làm nghề phu cá giữa đêm khuya ở Đà Nẵng

Chính cái nghèo cái khổ đã đưa đẩy những phụ nữ cửa vạn ấy xít lại gần nhau, cảm thông, đùm bọc và yêu thương nhau hơn (Ảnh: Khương Mỹ) 

Cũng chẳng thua kém bà Gái là bao, chị Lê Thị Mai (54 tuổi, quê Quảng Nam) là một trong những phu cá có hoàn cảnh khó khăn nhất ở cái cảng cá này. Chồng bệnh tật chẳng làm được việc nặng, lại phải nuôi cha mẹ già yếu và lo cho 4 đứa con thơ đang tuổi ăn học nên một mình chị phải ra Đà Nẵng làm nghề gánh cá thuê để lo cho cả đại gia đình.
"Công việc này khổ lắm, vừa nặng nhọc, vừa nhớp nhúa, nhưng vẫn rán làm vì miếng cơm manh áo thui. Nhiều lúc thèm lắm một giấc ngủ đêm nhưng cũng chỉ là ước mơ thui chứ ngủ thì lấy chi mà ăn đây… Công việc tuy nặng nhọc thật nhưng làm miết, vai chai hết nên chừ cũng quen rồi, với lại được gặp chị em “đồng nghiệp” mỗi ngày nên tụi tui cũng có nhiều niềm vui lắm…", giọng Quảng Nam chân chất của cô Mai vang lên, rõ mồn một giữa cảng cá.
Khi trời bắt đầu ngả trưa cũng là lúc bến cá thưa thớt dần cảnh mua bán. Những nữ phu cá lặng lẽ ra về, nhưng vẫn còn một số người cố nán lại với hy vọng kiếm thêm được ít tiền để cải thiện bữa cơm gia đình.
Công việc vất vả, nặng nhọc là vậy, nhưng thỉnh thoảng trên khuôn mặt của những phụ nữ lam lũ ấy vẫn xuất hiện nụ cười… Niềm vui của họ đôi khi chỉ giản đơn là lúc nhận được vài đồng tiền lẻ từ công gánh cá thuê cho tiểu thương, có thêm ít tiền để trang trải cuộc sống gia đình và gởi về quê lo cho đàn con ăn học…
Tâm sự của những phụ nữ làm nghề phu cá giữa đêm khuya ở Đà Nẵng

Niềm vui của những “thân cò” ấy chỉ giản đơn là nhận được vài đồng bạc lẻ từ công gánh cá cho các tiểu thương (Ảnh: Khương Mỹ) 

Đang ngồi ở góc chợ gom lại trong bị quần, túi áo những đồng bạc lẻ của cả một buổi sáng nhọc nhằn mưu sinh, khi tôi đến hỏi thăm, chị Nguyễn Thị Tám (46 tuổi) thật thà chia sẻ, chị quê ở tận Thanh Hóa, chồng không may qua đời vì bạo bệnh, một mình chị lặn lội vào đây để làm thuê đủ nghề.
Sáng sớm chị đi gánh cá thuê, chiều đến lại tất bật với gánh bún rong vỉa hè, tối về chị lại nhận may đồ gia công ở nhà để kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống mưu sinh đè nặng trên đôi vai của người phụ nữ này. Đôi lúc, chị cảm thấy mệt mỏi, nhưng nghĩ về những đứa con của mình, chị lại ánh lên niềm hi vọng...
Nhà khó khăn quá, ruộng vườn thì ít, mà 3 đứa con lại đang tuổi ăn học, bí quá nên phải ra ngoài Đà Nẵng thuê trọ ở để hằng ngày đến đây gánh cá thuê kiếm tiền gởi về quê cho chúng nó ăn học. Cũng may là 3 đứa con của tôi đều chăm ngoan học giỏi cả. Đứa lớn đang học đại học năm 3, đứa nhì mới thi đậu đại học năm ngoái, còn đứa út học lớp 9 thì năm nào cũng được học sinh giỏi cả. Phận làm mẹ, dù khổ đến mấy thì tôi vẫn chịu được, chỉ mong sau này bọn nó ăn học thành tài để thoát khỏi được cái kiếp nghèo khổ này…”, chị Tám tâm sự.
Chia tay những nữ phu cá ra về, nhìn hình ảnh chị em với bộ quần áo tả tơi, lấm lem, nồng nặc mùi cá đang căng sức để cố gánh những ky cá nặng trĩu, mới thấy được sự khó nhọc và cái giá mà họ phải đánh đổi để kiếm được đồng tiền từ lao động chân chính. Chợt thấy chạnh lòng xót xa về cái “nghiệp” mà những “thân cò” ấy đã trót “trao thân gửi phận” và bỗng thấy trân trọng hơn về những gì mình đang có.
Bài, ảnh: Khương Mỹ
(Theo Congluan)

Nguồn: emdep

CHIA SẺ BÀI NÀY
  • tag
BÌNH LUẬN
chuyen muc lam dep
video lam dep