Dưới đây chính là những thay đổi cụ thể với cả thai nhi và cơ thể mẹ trong tuần này:
Sự phát triển của thai nhi
Tới tuần thứ 11 này, thai nhi đã dài khoảng 4 cm tính từ đầu tới mông. Từ tuần này cho tới tuần thứ 20, thai nhi sẽ phát triển khá nhanh về kích thước, đồng thời các cơ quan quan trọng trong cơ thể đã phát triển mạnh trong những tuần đầu thì sẽ phát triển chậm lại vào tuần này trở đi. Phần đầu của thai nhi lúc này có chiều dài chiếm khoảng 1/3 chiều dài cơ thể. Các xương trên khuôn mặt đã được hình thành tương đối và sẽ sớm hoàn chỉnh trong vài tuần tới. Mí mắt đã hình thành tuy nhiên vẫn còn nhắm lại. Vị giác tiếp tục phát triển trong vùng lưỡi.
Phần đầu của thai nhi lúc này có chiều dài chiếm khoảng 1/3 chiều dài cơ thể. (Ảnh minh họa)
Cũng trong tuần này, phần ruột sẽ bắt đầu di chuyển từ dây rốn ra phía phôi. Mặc dù cơ quan sinh dục đã phát triển từ các tuần trước nhưng về hình dạng bên ngoài của bộ phận sinh dục nam và nữ còn tương đối giống nhau do đó giới tính của thai nhi khó có thể xác định được thông qua máy siêu âm.
Các lớp da mỏng trong suốt bảo vệ phôi thai trong suốt những tuần qua giờ đây sẽ được thay thế bằng một lớp tế bào dẹt. Đây cũng chính là sự khởi đầu của lớp bề mặt da. Nhau thai cũng tiếp tục phát triển nhanh chóng, đồng thời kích thước và số lượng mạch máu cũng tăng lên.
Sự thay đổi trong cơ thể mẹ
Với những thay đổi xảy ra trong cơ thể, mà phần lớn là do sự thay đổi hormone, mẹ bầu sẽ vẫn cảm thấy khá mệt mỏi trong tuần này.
Do sự thay đổi hormone, mẹ bầu sẽ vẫn cảm thấy khá mệt mỏi trong tuần này. (Ảnh minh họa)
Do mạch máu của mẹ sẽ được mở rộng nhằm tăng lưu lượng máu cung cấp cho thai nhi mà mẹ có thể gặp phải tình trạng huyết áp giảm, khiến mẹ đôi khi có thể bị choáng váng hay chóng mặt. Hệ thống tiêu hóa của mẹ cũng sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn, và kết quả là mẹ có thể chứng khó tiêu hay ợ nóng. Hai triệu chứng này thực ra có thể xảy ra trong bất cứ thời điểm nào của thai kỳ và có thể kéo dài do sự thay đổi nội tiết tố và việc thai nhi lớn dần lên gây áp lực lên bụng của mẹ.
Ngoài ra, đôi khi mẹ chỉ cười, hắt hơi hay ho thì cũng có thể bị rò nước tiểu. Nguyên nhân là do các mô xương chậu của mẹ đang bị kéo dài và làm mềm ra bởi các hormone trong thai kỳ, tạo ra áp lực lên bàng quang.
Những lưu ý cần thiết cho mẹ
Nếu mẹ bị khó tiêu hay ợ nóng thì hãy chú ý không nên năm xuống ngay sau khi ăn mà có gắng thư giãn, đi lại nhẹ nhàng để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn. Mẹ cũng nên ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên thay vì 3 bữa lớn để dễ tiêu hóa hơn.
Trong tuần này, mẹ cũng có thể làm xét nghiệm máu để kiểm tra nguy cơ thai nhi gặp phải hội chứng Down. Để có kết quả chính xác hơn, mẹ cũng có thể làm thêm xét nghiệm lông nhung màng đệm. Đây là một xét nghiệm sử dụng một ống tiêm để lấy mẫu lông nhung màng đệm (thành phần hình thành nên nhau thai).
Nguồn: eva