Tim và hệ tuần hoàn của bé cũng được bắt đầu được hình thành trong tuần này. Dưới đây chính là những thay đổi cụ thể với cả thai nhi và cơ thể mẹ khi mang bầu 4 tuần:
Sự phát triển của thai nhi
Trong tuần thứ 4, các tế bào bên trong phôi nang đang dần hình thành với 2 lớp riêng biệt, bao gồm: epiblast sẽ trở thành phôi và khoang ối, hypoblast sẽ trở thành túi noãn hoàng để nuôi dưỡng thai nhi. Tại thời điểm này, phôi thai sẽ có chiều dài vào khoảng 1 mm. Các tế bào bên trong phôi thai đang trong quá trình phát triển với 3 lớp hoàn toàn riêng biệt và dần hình thành các cơ quan và mô của cơ thể thai nhi sau này, bao gồm:
- Lớp bên ngoài tức ngoại bì sẽ tạo hành ống dây thần kinh. Từ đây, não, tủy sống và các dây thần kinh sẽ phát triển. Đồng thời, ống kinh của mắt, da, móng tay, men răng, mũi và các bộ phận của tai cũng phát triển tử lớp này.
- Lớp giữa tức trung bì sẽ phát triển thành trái tim và hệ tuần hoàn, cũng như các cơ bắp và xương.
- Lớp bên trong tức nội bì sẽ tạo thành phổi, hệ tiêu hóa và hệ tiết niệu, lưỡi và amidan.
Tại thời điểm này, các túi noãn hoàng đang chịu trách nhiệm cung cấp chất dinh dưỡng nuôi phôi thai cho tới khi nhau thai phát triển toàn diện và đảm nhiệm nhiệm vụ này. Đồng thời, khi nhau thai phát triển tương đối hoàn thiện thì nước ối cũng bắt đầu được sản xuất và bao quanh để bảo vệ thai nhi. Nhau thai phát triển sẽ có nhiệm vụ cung cấp cho phôi oxy và chất dinh dưỡng trong suốt thai kỳ.
Trong tuần thứ 4, các tế bào bên trong phôi nang đang dần hình thành với 2 lớp riêng biệt là epiblast và hypoblast. (Ảnh minh họa)
Sự thay đổi trong cơ thể mẹ
Khi phôi thai bắt đầu bám vào thành tử cung, nó sẽ kích thích quá trình sản xuất hormone hCG (tên khoa học: human chorionic gonadotropin), một loại hormone có tác dụng giúp cơ thể mẹ duy trì niêm mạc tử cung. Đồng thời, hormone này cũng gửi một tín hiệu tới buồng trứng để ngăn chặn quá trình rụng trứng và hiện tượng kinh nguyệt tiếp tục xảy ra trong suốt thời gian mang thai
Các hormone progesterone vẫn tiếp tục được sản xuất bởi hoàng thể, do vậy có thể gây ra cảm giác buồn nôn và mệt mỏi cho mẹ. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể cảm thấy đau tức ở ngực.
Những lưu ý cần thiết cho mẹ
Trong tuần này, với những dấu hiệu như buồn nôn, mệt mỏi, căng tức ngực và chậm kinh thì mẹ có thể đã nghi ngờ rằng mình đã mang bầu. Chính vì vậy, sử dụng que thử thai sẽ là việc đầu tiên mẹ nên làm để tìm ra nguyên nhân của những hiện tượng này. Chỉ cần thử với mẫu nước tiểu của chính mình và nếu mẹ làm theo hướng dẫn cẩn thận thì kết quả thử thai nhìn chung là rất đáng tin cậy.
Cũng cần lưu ý là đôi khi có thể xảy ra trường hợp mẹ thực sự có thai nhưng kết quả vẫn là âm tính, hay còn gọi là ’âm tính giả’ thì nguyên nhân phần lớn là do nồng độ hormone hCG trong nước tiếu không đủ cao. Do vậy, tốt nhất mẹ nên dùng que thử để thử thai vào buổi sáng, khi nồng độ hormone này còn cao để có thể nhận được kết quả chính xác nhất. Nếu kết quả là âm tính nhưng mẹ vẫn có những dấu hiệu mang thai kể trên thì nên thử thai lại sau đó một tuần để có kết quả chính xác hơn nhé!
Nếu kết quả là âm tính nhưng mẹ vẫn có những dấu hiệu mang thai kể trên thì nên thử thai lại sau đó một tuần để có kết quả chính xác hơn. (Ảnh rminh họa)
Nguồn: eva