Vào tuần thứ 5, các dấu hiệu mang thai như chậm kinh, mệt mỏi, buồn nôn, đau tức ngực trở nên vô cùng rõ rệt. Thêm vào đó, nồng độ hormone hCG trong cơ thể mẹ cũng đã đủ cao để xác định chính xác rằng mẹ đã có ’tin vui’ thông qua việc sử dụng que thử thai thai tại nhà. Dưới đây chính là những thay đổi cụ thể với cả thai nhi và cơ thể mẹ trong tuần này:
Sự phát triển của thai nhi
Trong tuần thứ 5, phôi thai có chiều dài vào khoảng 2 tới 4 mm, và sau một vài ngày phôi thai sẽ có hình dạng giống như một quả lê ’tí hon’. Một rãnh sẽ được hình thành giữa các lớp tế bào (các ngoại bì), đồng thời các tế bào sẽ hơi gấp lại xung quanh để tạo thành ống thần kinh. Đây chính là khởi đầu cho sự hình thành hệ thống thần kinh của em bé và sẽ tạo thành não và tủy sống. Các tế bào di chuyển từ phía trên cùng của ống thần kinh và thay đổi thành các loại tế bào khác nhau như tế bào thần kinh hay các tế bào mô xương. Trong tuần này, phôi tim sẽ có cấu trúc ống cơ bản và dần hình thành một ’chỗ phình’ ở trung tâm của phôi thai. Mạch máu cũng sẽ bắt đầu hình thành vào cuối tuần thứ 5 này, trong đó một số mạch máu sẽ tạo nên đoạn cuối của dây rốn.
Trong tuần thứ 5, phôi thai có chiều dài vào khoảng 2 tới 4 mm. (Ảnh minh họa)
Sự thay đổi trong cơ thể mẹ
Hầu hết phụ nữ đều có thể nhận ra rằng mình có lẽ đang mang thai do các dấu hiệu như vắng kinh nguyệt, buồn nôn, đau ngực và mệt mỏi do tác dụng của các hormone thai kỳ. Nếu chưa biết chính xác mình đã mang thai hay chưa, mẹ hãy thử que ngay hôm nay. Mặc dù mới có một vạch đậm và một vạch mờ hơn chút xíu nhưng điều đó cũng đủ chúc mừng bạn đã lên chức mẹ. Nồng độ hormone hCG trong nước tiểu của mẹ thời gian này đã đủ cao để mẹ thử thai tại nhà và cho ra kết quả 2 vạch. Nếu còn nghi ngờ, mẹ có thể đến các bệnh viện lớn để thử máu giúp xác định chính xác mình đã mang thai hay chưa. Để thử thai chính xác nhất, mẹ nên thử nước tiểu buổi sáng khi vừa ngủ dậy.
Những lưu ý cần thiết cho mẹ
Nếu mẹ đã sớm nghi ngờ mình mang thai từ tuần thứ 4 thì chắc hẳn mẹ đã tìm đến cách thử thai bằng que thử thai. Trong trường hợp này, nếu kết quả thử thai là dương tính thì mẹ tốt nhất hãy nên đặt hẹn đi khám bác sỹ để có thể xác nhận lại kết quả cũng như nhận được những lời khuyên về cách chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ. Với một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ sẽ có nhiều cơ hội sinh bé khỏe mạnh và thông minh hơn. Thêm vào đó, mẹ cũng nên đặc biệt chú ý tới việc ăn uống và chế độ dinh dưỡng của mình. Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, mẹ nhớ bổ sung đủ lượng vitamin D và axit folic khuyến cáo cho phụ nữ mang thai để tránh các khuyết tật không đáng có với thai nhi. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên tránh một số loại thực phẩm nhất định dưới đây để tránh nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi hay thậm chí sẩy thai:
- Phô mai mềm chưa tiệt trùng
- Sữa và nước trái cây chưa tiệt trùng
- Trứng sống, và cả các món ăn có thành phần trứng sống
- Thịt sống hay chưa nấu chín kỹ, cá và hải sản sống, thường thấy phổ biến trong các món sushi
- Các loài cá có chứa hàm lượng cao thủy ngân như cá mập, cá cờ hay cá kiếm.
Mẹ bầu nên tránh các món chứa thịt sống hay chưa nấu chín kỹ, cá và hải sản sống. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, tập thể dục khi mang thai sẽ giúp mẹ cảm thấy đỡ mệt mỏi và trở nên năng động hơn. Vì vậy ngay từ tuần thai thứ 5 này mẹ hãy chọn những môn thể thao phù hợp nhất với mình. Luyện tập sẽ giúp mẹ săn chắc các múi cơ, tăng sự dẻo dai và sức chịu đựng của cơ thể. Nó còn giúp mẹ kiểm soát được cân nặng hiệu quả. Mẹ cũng nên đi bộ, bơi lội hoặc tập một số động tác yoga đơn giản, tốt nhất là theo các lớp yoga dành cho bà bầu, nơi có những người hướng dẫn tập chuyên nghiệp. Các mẹ cũng cần lưu ý không vận động quá sức.
Nguồn: eva