Kênh Phụ Nữ Kênh Phụ Nữ

Tôi đã tự làm khổ mình

KENHPHUNU.COM  | 15:00 , 16/06/2015

App hoa anh đào

Nhờ chăm chỉ, chịu khó học, tôi tốt nghiệp đại học, đi làm. 25 tuổi, tôi kết hôn với mong muốn tìm một chỗ dựa khác thay cho ông ngoại tôi vừa qua đời. Chồng tôi hơn tôi một tuổi, cũng vừa đi làm được mấy tháng. Sau này, khi đã làm vợ anh ngót 10 năm, tôi có hỏi “động cơ” nào thúc đẩy anh lấy tôi thì anh trả lời “chán đời” - tưởng đùa mà là thật. Chúng tôi đến với nhau như trò may rủi của số phận. Nhờ trời, sau 15 năm chung sống yên ổn, có thể nói cả hai đều tạm hài lòng.

Là con cả trong gia đình, lại không được sống chung với cha mẹ nên ngoài nỗi tủi thân đeo bám, tôi còn phải làm rất nhiều việc - kể cả lau chùi dọn dẹp nhà cửa cho hàng xóm, cắt chỉ, dán phong bì, bưng bê ở quán ăn…, việc gì tôi cũng làm để kiếm thêm tiền phụ ngoại trang trải cuộc sống. Khi tôi lấy chồng - nhà chồng chẳng hơn gì nhà tôi.

Hơn nữa, khi ấy chồng tôi đang học văn bằng hai nên nghiễm nhiên tôi thành “trụ cột”. Có lẽ vất vả, khổ cực đã quen nên có cực nữa tôi vẫn gắng gỏi vượt qua. Có lần, tôi phải gạt nước mắt bán đi số nữ trang ít ỏi, là quà cưới gia đình tôi cho, để chồng đóng học phí. Tiếc lắm, nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác.

Vốn tính cần kiệm nên cuộc sống của vợ chồng tôi không đến nỗi thiếu trước hụt sau. Rồi tôi sinh con trai đầu lòng, bao nhiêu tiền kiếm được tôi dồn hết để mua sữa cho con. Năm 2002 - thời điểm tôi sinh bé, lương của nhân viên quèn như tôi một tháng chưa tới 1,5 triệu đồng nhưng tôi đã dám chi 1,6 triệu đồng để mua sữa ngoại cho bé uống với niềm tin mơ hồ rằng con tôi được khỏe mạnh, thông minh.

Suốt một thời gian dài, mối quan tâm số một của tôi là chăm lo cho con. Muốn mua cái áo mới để mặc đi làm, tôi cũng quy ra giá sữa rồi “nâng lên đặt xuống”. Lựa chọn cuối cùng của tôi là để dành tiền mua sữa cho con.

Rất may, chồng tôi là người thông minh, chịu khó nên sau khi lấy được văn bằng hai - anh “nhảy việc” sang công ty khác với mức lương cao hơn. Dù thu nhập của hai vợ chồng được cải thiện rất nhiều nhưng tôi vẫn ki cóp như thuở nào. Tôi sợ đói, sợ khổ - nỗi sợ dường như còn nhân lên gấp bội khi tôi có con - nhất định con tôi sẽ không phải chịu những cay đắng mà tôi đã trải qua. Rồi chúng tôi mua được nhà, tuy nhỏ nhưng ấm áp. Nhưng, căn nhà sẽ trở nên “chật chội” nếu tôi sinh bé thứ hai.

Vậy là ngoài việc nuôi con, tôi còn cố gắng làm thêm, cắt giảm chi tiêu cá nhân nhiều hơn để dành tiền cơi nới căn nhà. Sau gần 15 năm làm lụng, tiết kiệm tối đa, vợ chồng tôi đã mua thêm được căn nhà liền kề, cái “chuồng cu” 25m2 đã thành ngôi nhà cấp bốn với diện tích hơn 50m2. Chúng tôi còn tậu thêm được một căn nhà nhỏ để cho thuê.

Cứ tưởng gánh mưu sinh đã nhẹ đi rất nhiều nhưng vì luôn lo xa, luôn sợ đói, sợ khổ nên tôi bàn với chồng ráng tích góp vài năm nữa để có thêm một cái nhà cho con trai. Nghe tôi bàn kế hoạch, chồng tôi lắc đầu ngao ngán, bởi mấy năm nay dù đã lên chức quản lý - lương tính bằng đô la Mỹ nhưng mức sống của gia đình và cá nhân anh cũng không khác mấy so với hơn 15 năm về trước. Có lẽ, tôi sẽ y như kế hoạch mà thực hiện nếu không xảy ra một biến cố.

Cách đây mấy tháng, tôi đang làm thì bị ngất xỉu phải đi bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết ngoài chứng tụt can xi, tôi còn bị gan và máu nhiễm mỡ. Nếu tôi không tích cực thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống điều độ, siêng năng tập thể dục, tôi có nguy cơ bị cao huyết áp và tiểu đường tuýp 2. Cầm bệnh án trên tay, tôi tự hỏi - tôi đã làm gì, đã sống như thế nào trong suốt mười mấy năm qua để có kết quả này?

Để tiết kiệm nhiều hơn, thay vì mua thực phẩm tươi ngon, tôi chủ động mua hàng “loại 2”; thay vì chú trọng chất lượng của bữa ăn, tôi cốt ăn sao cho no, hậu quả là tôi bị dư cân béo phì nhưng lại thiếu can xi và thiếu sắt; thay vì phải khám sức khỏe định kỳ, tôi lại trung thành với suy nghĩ chừng nào bệnh hẵng hay, hoặc tự ý ra nhà thuốc tây khai với người bán…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sức khỏe là vốn quý mà tôi còn thờ ơ, huống hồ ngoại hình. Mấy ngày bệnh xin nghỉ phép nằm nhà, chồng đi làm, con đi học - rảnh tay nên tôi lấy gương ra soi. Trước mặt tôi là một người phụ nữ tuổi trẻ đã qua nhưng già chưa tới, rõ ràng tóc đã lưa thưa - chắc là rụng rất nhiều. Khuôn mặt khắc khổ hằn sâu vết thời gian, làn da chảy xệ do không được chăm sóc, đôi môi nứt nẻ, thâm đen… Tôi đó sao?

Tôi chưa 40 tuổi mà như một người sắp lên lão? Tôi đã làm gì với thân xác mình? Bấy lâu tôi hay nghe chồng tôi thở dài nhưng có lẽ vì quá chán nên anh chẳng buồn góp ý. Anh không nỡ nói sự thật? Tôi cũng chẳng biết anh có bồ bịch bên ngoài không khi “cơm” nhà chẳng những nguội mà còn bốc mùi ôi thiu? Nói dại, lỡ tôi có mệnh hệ nào thì hai con của tôi sẽ ra sao? Nhà để ở đã có, nhà cho thuê để tăng thu nhập cũng có, nhà để làm của hồi môn cho con trai cũng sắp sửa có… nhưng liệu những cái nhà đó có ý nghĩa gì khi tôi đánh mất sức khỏe?

Tôi mơ hồ ngộ ra rằng tôi đã bị cái tuổi thơ nghèo khổ đeo bám đến độ sống không ra sống. Vì quá lo xa nên tôi cứ vọng tưởng rồi mải miết, cuống cuồng chuẩn bị cho những ngày sắp sửa đó mà không biết rằng mình cần phải sống cho hiện tại. Bắt đầu từ ngày mai tôi sẽ thay đổi. Tôi cần giảm cân theo lời đề nghị của bác sĩ. Tôi cần ăn uống lành mạnh và tích cực tập thể dục. Tôi sẽ buông một số việc mà vì ham tiền tôi đã chần chừ…

Tôi ngồi dậy, lấy giấy viết ra gạch vài đầu dòng là những điều cần làm để phục vụ cho mục tiêu cải thiện sức khỏe mà thấy tinh thần phấn chấn hẳn. Bỗng đâu văng vẳng bên tai lời thúc giục về mục tiêu mua nhà làm của hồi môn cho con trai 13 tuổi, nhưng thôi kệ. Có sức khỏe là có tất cả.

ÁNH NGỌC

Nguồn: phunuonline

 

CHIA SẺ BÀI NÀY
BÌNH LUẬN
chuyen muc lam dep
video lam dep