Cảnh tan hoang sau khi ngọn lửa được khống chế.
Có nước vẫn không cứu được
Một trong những nguyên nhân khiến đám cháy kéo dài dẫn đến thiệt hại nặng nề là thiếu phương tiện (xe chữa cháy có thang nâng cao) và thiếu nước. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong trưa 24/3, Đại tá Trần Đức Đình - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Cần Thơ cho biết, nguồn nước chữa cháy thường được lấy từ trụ nước chữa cháy hoặc ở sông hồ. Tuy nhiên, trong trường hợp này thiếu cả trụ nước lẫn nước ao hồ. Xe chữa cháy phải lấy ở các hồ nước chữa cháy của các công ty lân cận” - Đại tá Đình nói.
Ông Đình cung cho biết, đã huy động 28 xe các loại bao gồm xe của Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và hơn 200 chiến sĩ trực tiếp chữa cháy.
Có mặt tại hiện trường vụ cháy hai ngày qua, ông Huỳnh Minh Trung - Giám đốc Công ty CP Cấp nước Trà Nóc cho biết, nhà máy nước của công ty có công suất 20.000m3/ngày đêm (có khả năng lên 30.000m3), một hồ chứa dự trữ luôn đạt 4.000m3 nước, cột áp luôn cao 22m, khi ra hiện trường vẫn đạt hơn 20m nên vẫn đáp ứng đủ, song việc chữa cháy gặp khó vì hiện trường khó tiếp cận. Toàn bộ hai KCN tại Trà Nóc hiện có 24 trụ nước chữa cháy, tuy nhiên tại hiện trường cháy thì việc lấy nước từ các trụ nước vẫn gặp khó khăn trong việc di chuyển. Khi xe PCCC của TPHCM đến đã tiến hành bơm nước từ sông lên để “tiếp sức” nhưng vào thời điểm nước ròng nên việc chữa cháy vẫn chậm.
Hỗ trợ công nhân ổn định cuộc sống
Sáng 24/3, UBND thành phố Cần Thơ hop khẩn với các sở ngành tìm biện pháp khắc phục và hỗ trợ cho công nhân và những người dân chịu ảnh hưởng của vụ cháy ở Cty TNHH Kwong Lung-Meko. Bà Phan Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy cho biết, có trên 1.200 công nhân của Cty bị ảnh hưởng. “Quận đang rà soát về tình hình cuộc sống, điều kiện kinh tế của công nhân ở đây để hỗ trợ tạm thời”- bà Nguyệt nói. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đề nghị UBND thành phố có phương án hỗ trợ kịp thời cho công nhân phải ngừng việc do ảnh hưởng của vụ cháy. Cụ thể, trước mắt hỗ trợ mỗi người 3 tháng lương. Đồng thời, chỉ đạo ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố hỗ trợ lãi suất vay để giúp Cty Kwong Lung - Meko vượt qua khó khăn.
Ông Lê Xuân Trị - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, Liên đoàn sẽ vận động cán bộ công nhân viên trên địa bàn thành phố ủng hộ một hoặc nửa ngày lương để giúp công nhân có thêm nguồn thu. Ông cũng đề nghị ngưng thu nguồn phí công đoàn của công ty.
Do ảnh hưởng của đám cháy, tối 23/3 chính quyền địa phương đã cho sơ tán hơn 500 người dân sinh sống quanh khu vực cháy đến nơi an toàn. Ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nói rằng, trước mắt phải làm tốt việc hỗ trợ cho bà con di dời ở tạm, ổn định tinh thần cho anh em công nhân. Ông cũng đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố chủ trì vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm, công nhân viên và cả ngân sách để giúp công nhân và công ty vượt qua khó khăn.
Tòa nhà nơi xảy ra vụ cháy kinh hoàng được xây dựng từ năm 1987. Công ty TNHH Kwong Lung-Meko có khoảng 2.000 công nhân, hiện đã chuyển sang cơ sở mới 800 người, còn 1.200 công nhân vẫn làm việc tại đây. |
Rà soát các khu công nghiệp về PCCC Ngày 23/3, trao đổi với PV, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh – Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an) cho biết, Cục đang tập trung tổng kiểm tra, rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC tại khu công nghiệp trên cả nước. Cục cũng yêu cầu các khu công nghiệp phải tự kiểm tra, đánh giá năng lực và thấy rõ trách nhiệm của mình trong thực thi các quy định của pháp luật về PCCC. Ngoài ra, lực lượng chức năng tăng cường thanh kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm phải yêu cầu khắc phục ngay. Theo ông Mạnh, nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy lớn do các cơ sở, khu công nghiệp không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về PCCC. Tự ý thay đổi công năng sử dụng khi mở rộng quy mô sản xuất nhưng không có hồ sơ thẩm duyệt, báo cáo cơ quan chức năng để có phương án đảm bảo an toàn dẫn đến cháy lớn, thiêu hủy nhiều hàng hoá, tài sản... Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, năm 2016 xảy ra 55 vụ cháy tại các khu công nghiệp trên cả nước, tăng hơn 10 vụ so với năm 2015. Nguyên nhân được xác định do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện, sơ suất trong sử dụng nguồn lửa, xăng dầu, khí đốt,... Thanh Hà |
Nhóm PV Cần Thơ (Tiền Phong)
Nguồn: eva