Trang The Japanese Time thông tin, trong quá khứ để điều trị chứng nói lắp, hay còn gọi là cà lăm, các bác sĩ đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau. Vào thế kỷ 18, họ đã áp dụng phẫu thuật loại bỏ một phần lưỡi để giảm bớt các nguyên nhân vật lý giả định. Bước sang thế kỷ 19, chứng nói lắp đã được xem là một dạng rối loạn tâm thần nhẹ và có thể điều trị bằng các liệu pháp tâm lý.
Nguyên nhân trẻ xuất hiện tật nói lắp
Ngày nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định nguyên nhân chính xác của chứng nói lắp nhưng hầu hết các chuyên gia đều đưa ra nhận định rằng có mối liên hệ giữa thần kinh và di truyền. Khi trẻ bị căng thẳng, lo âu hay mệt mỏi sẽ làm chứng nói lắp của trẻ trở nên tồi tệ hơn.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), nói lắp là một tật do rối loạn ngôn ngữ ở trẻ và cũng có thể do yếu tố di truyền. Chứng nói lắp thường xảy ra ở trẻ có độ tuổi từ 2-3, đây là thời điểm trẻ sẽ học ghép từ thành những câu dài và sẽ tự hết dần khi lớn.
Một số trẻ có vốn ngôn ngữ chưa đủ để diễn đạt suy nghĩ nên trẻ gặp tình trạng lúng túng, lặp từ khi nói. Trong gia đình có thành viên nói lắp cũng là nguyên nhân khiến trẻ gặp phải tình trạng này vì con trẻ thường có xu hướng bắt chước.
Ảnh minh họa
Chứng nói lắp tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhưng sẽ khiến trẻ mất tự tin, ảnh hưởng đến kết quả học tập, thậm chí gây tổn hại đến lòng tự trọng của trẻ.
Chị Anh Thư (Q.9, TP.HCM) chia sẻ: “Con mình có biểu hiện nói lắp từ khi bé được 18 tháng nhưng cha mẹ lại quá bận rộn với công việc nên cũng không có nhiều thời gian để trò chuyện, chỉnh sửa cho con. Đến khi 3 tuổi, con bắt đầu đến trường mẫu giáo thì lúc này chị mới biết ảnh hưởng của chứng nói lắp đến cuộc sống, tâm lý của con như thế nào. Bạn bè trên trường luôn chê cười vì con nói lắp khiến con không thể hòa nhập được với bạn cùng lớp. Chả trách gì khi con bắt đầu đi học, chị càng thấy con ít nói, trầm hơn hẳn”.
Khắc phục tật nói lắp cho con
Khi nói chuyện với trẻ, cha mẹ đừng nói quá nhanh. Nói chậm và từ tốn sẽ giúp bé dễ bắt kịp và hiểu được những gì bạn đang nói.
Kiên nhẫn lắng nghe con và nhìn thẳng vào mắt con để nói chuyện để tăng giao tiếp bằng mắt. Không làm gián đoạn câu nói của con để cho con tự hoàn thành câu nói của mình.
Cha mẹ nên chờ đợi khi con nói xong rồi hãy trả lời. Điều này sẽ giúp con bạn bình tĩnh, thoải mái hơn khi phát biểu. Lâu dần sẽ tập cho con khả năng nói rõ ràng, lưu loát hơn.
Không nên ép trẻ nói chậm lại hay cố gắng sửa lỗi cho con. Việc này vô hình trung lại làm trẻ mất bình tĩnh, gây áp lực cho trẻ khi nói. Lâu dần sẽ làm cho con bị áp lực tâm lý mỗi khi nói vì sợ lỗi sai.
Cha mẹ cũng có thể chơi trò “nối câu, ghép chữ” để tăng vốn từ vựng cho con. Ví dụ, khi cha mẹ nói “con chim”, trẻ sẽ nối tiếp “con chim đang bay”, phụ huynh sẽ tiếp tục nói tiếp và đưa ra gợi ý để con có thể tạo thành câu dài hoàn chỉnh đến mức có thể. Trò chơi tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả để con rèn khả năng vốn từ, tăng phản xạ nói, đồng thời giúp con bỏ tật nói lắp nhanh chóng.
Nếu khi trẻ vào tiểu học chứng nói vẫn chưa hết hay chưa có dấu hiệu giảm đi thì phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để có các tư vấn trị liệu cụ thể hơn. Điều quan trọng nhất khi chữa chứng nói lắp cho con đó là đúng phương pháp và kiên nhẫn.
Tổng hợp