Nhân quả không sai được. Nên khi đang khổ thì phải hiểu rằng: mình đang phải trả quả của những nghiệp xấu mà bản thân đã gây ra. Nếu không hiểu điều đó thì mình sẽ đi trách móc người gây khổ cho mình. Những người nông cạn tin vào may mắn. Những người mạnh mẽ tin vào nhân quả.
Có hiểu nhân quả mới quan tâm đến tích tập nhân tốt. Người hiểu nhân quả, hiểu nghiệp sẽ có thái độ sống chủ động: “Tôi sẽ liên tục tích tập nghiệp tốt vì sớm muộn nó cũng sẽ nở ra và tôi sẽ có kết quả tốt.” Ngược lại, khi chưa hiểu nhân quả sẽ rất bị động. Trong xã hội hiện đại, mọi người hầu hết sống một cách bị động. Chúng ta cứ cố làm cái này cái kia, nếu không được thì than thân trách phận. Người có sự thực hành tốt thì sẽ luôn quan tâm tích tập nghiệp tốt, nếu muốn có kết quả tốt.
Vì sao đứa con sinh ra lại hư hỏng? Hết thảy đều do nhân quả nghiệp báo
Thiện ác đều có báo ứng, có người chỉ vì chút lợi mà nhắm mắt làm liều, nhưng đâu ngờ ông trời có mắt, chưa từng bỏ sót một ai bao giờ. Con cái sinh ra hư hỏng chính là nghiệp báo của cha mẹ
Vào triều đại nhà Nguyên, tỉnh Quảng Nam có một Thái thú tên là Chương Đại Tu. Ông ta thấy một vị khố lại (quan trông kho) họ Lục có rất nhiều tiền, lại có một cô con gái xinh đẹp, trong tâm liền bắt đầu suy tính.
Ông ta muốn lấy con gái của vị Lục khố lại làm vợ, đồng thời chiếm lấy tài sản làm của riêng. Vì vậy, thường hay gợi ý với Lục khố lại, nhưng ông Lục không hề để tâm đến.
Chương Đại Tu thẹn quá hóa giận, nghĩ thầm: “Rượu mời không muốn lại muốn rượu phạt! Ta đường đường là một vị Thái thú, lại phải đi ăn chực nằm chờ một tên khố lại tép riu này hay sao?”. Vì vậy ông ta âm thầm sắp xếp kế hoạch để hãm hại Lục khố lại.
Vào một ngày, nha môn bắt được một tên ăn trộm. Chương Đại Tu bí mật phái người dặn dò tên trộm, nói chỉ cần hắn vu cho Lục khố lại tội đồng lõa, thì có thể giảm bớt hình phạt.
Tên ăn trộm quả nhiên vu cho Lục khố lại đồng lõa với mình, vì vậy Lục khố lại bị bắt mời ra làm chứng, tra khảo rất nghiêm khắc. Lục khố lại không nhận tội, Chương Đại Tu liền dùng dầu sôi đổ lên tay khiến ông Lục chịu không được, đành phải nhận tội.
Chương Đại Tu dẫn người đến nhà họ Lục, lấy danh nghĩa là điều tra tang vật, lục soát tịch thu toàn bộ tài sản của Lục khố lại, chiếm làm của riêng. Sau đó lại dàn dựng cảnh đem con gái của Lục khố lại bán đi, rồi âm thầm phái người mua về, cưỡng ép chiếm hữu.
Về sau con gái của Lục khố lại sinh được một đứa con trai, Chương Đại Tu vô cùng yêu mến. Nhưng đứa con sau khi lớn lên, lại trở thành một kẻ ăn chơi trác táng, ngày nào cũng lêu lổng, uống rượu đánh bạc, không có việc xấu nào không làm.
Chương Đại Tu vài chục năm ở chốn quan trường lừa gạt được vô số tiền tài, đều bị con của mình tiêu xài lãng phí hết. Nếu như Chương Đại Tu không chịu thuận theo con trai, thì đứa con hư hỏng này sẽ lấy dao đòi giết, Chương đành phải lánh tới Hàng Châu.
Có một ngày, Chương Đại Tu đến chùa Tịnh Từ du ngoạn, bái phỏng hòa thượng Thiên Phương, xin hỏi vì sao sinh được đứa con hư hỏng đến như vậy.
Lúc đó hoà thượng Thiên Phương đang ở chỗ nồi nước sôi, liền nói: “Ông muốn biết nhân quả của việc này, vậy thì hãy lấy tay nhúng vào nồi nước sôi đi”.
Chương Đại Tu trả lời: “Nước sôi sùng sục như vậy làm sao có thể cho tay vào được?”.
Hòa thượng Thiên Phương lớn tiếng trách mắng: “Nước sôi ông chịu không được, vậy mà dầu nóng, người khác há có thể chịu được hay sao?”.
Rồi hòa thượng làm một bài kệ: Mười tám năm trước vận quan tốt, vu oan người lành kế quá hay; Nào biết trời phạt phá gia đình, cha con thù ác thêm phiền não; Bếp lò nước sôi còn khó chịu, lăn dầu trong chảo ác lắm thay; Oan oan tương báo nay là lúc, phổi gan đều rách vậy mới hay.
Về sau, Chương Đại Tu quả nhiên xuất hiện triệu chứng giống như hòa thượng Thiên Phương nói: “Phổi gan đều rách vậy mới hay”. Trước ngực của ông ta sinh ra mụn độc, lở loét vào tận bên trong, làm cho ngũ tạng đều lộ hết ra ngoài rồi mới chết. Con trai của ông ta cũng không thèm làm mai táng cho cha, không lâu sau thì cũng chết theo.
Hết thảy sự tình trên đời đều có nguyên do. Mọi hành động của chúng ta đều có khả năng gây ra đau khổ. Và, mọi điều chúng ta làm đều có hệ quả với tiếng vang vượt xa những gì ta có thể tưởng tượng ra. Điều này không có nghĩa là chúng ta không nên hành động. Nó có nghĩa là chúng ta nên hành động cẩn thận. Mọi chuyện đều có ý nghĩa.
Chúng ta nên nghiêm túc suy nghĩ trước khi đóng sập cửa, trước khi đốt cầu, trước khi cưa gãy cành cây mà ta đang ngồi ở trên.Con người biết điều họ làm. Thường họ biết tại sao mình làm điều mình làm. Nhưng điều họ không biết là điều họ đang làm sẽ gây ra điều gì. Hành thiện gặt quả thiện, hành ác gặt quả ác. Đã gieo hạt giống nào thì sẽ gặt quả nấy…
Theo: tinhhoa.net
Nhung Nguyễn biên tập/Vandieuhay