Kênh Phụ Nữ Kênh Phụ Nữ

Trẻ em mắc bệnh ung thư khó thích nghi với cuộc sống

KENHPHUNU.COM  | 09:00 , 28/07/2015

Một nghiên cứu gần đây của Mỹ cho thấy, người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ở tuổi thiếu niên ít có khả năng hoàn thành trình độ đại học, làm việc toàn thời gian, kết hôn hoặc sống tự lập.

Những người sống sót sau khi trải qua căn bệnh ung thư (UT) vào thời thiếu niên sẽ đối mặt với nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu, cũng như các vấn đề về trí nhớ và hiệu quả công việc.

“Căn bệnh UT trong thời thiếu niên có khả năng phá vỡ quá trình tăng trưởng cần thiết cho tuổi trưởng thành; do đó nhóm của chúng tôi cảm thấy cần thiết khi nghiên cứu và mô tả những trở ngại mà số người sống sót đang phải đối mặt”, TS Pinki Prasad, chuyên gia UT ở trẻ em tại Trung tâm Khoa học y tế Trường ĐH Louisiana State, thành phố New Orleans, Mỹ, tác giả nghiên cứu cho biết.

Cô và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu từ 2.589 người sống sót sau khi được chẩn đoán mắc bệnh UT trong độ tuổi từ 11 - 21. Ngoài ra, nghiên cứu cũng khảo sát các anh chị em của bệnh nhân để so sánh.

Những người sống sót sau UT chủ yếu ở độ tuổi 30 trở lên. Họ và anh chị em của họ được khảo sát về tình trạng việc làm, trình độ học vấn và hoàn cảnh sống. Họ cũng tự đánh giá về trạng thái tình cảm và chức năng nhận thức, bao gồm cả khả năng tổ chức, hiệu quả làm việc và trí nhớ.

Các nhà nghiên cứu báo cáo trong tạp chí Journal of Clinical Oncology rằng, những vấn đề xã hội về sau có liên quan đến các triệu chứng nhận thức của người sống sót. Người sống sót sau khi bị UT lúc còn trẻ có hơn 50% nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và gấp đôi nguy cơ mắc bệnh rối loạn lo lắng so với anh chị em ruột. Những người sống sót cũng cho rằng họ gặp nhiều vấn đề trong việc điều tiết cảm xúc và ghi nhớ.

Theo Heather Conklin, giảng viên tại Bệnh viện St. Jude Research ở Memphis, Tennessee, Mỹ: “Những phát hiện này rất hữu ích cho nhóm những người sống sót sau UT ở tuổi thiếu niên khi họ lớn lên”. Conklin cho biết, các nghiên cứu sắp tới nên đánh giá trạng thái tình cảm của người sống sót theo chuyên môn y tế, vì việc tự nhận xét có thể không đáng tin cậy. Conklin cũng cho biết, kỳ vọng của cha mẹ về sự độc lập và tự chủ của thiếu niên có thể làm cho quá trình điều trị càng khó khăn hơn.

Người sống sót sau UT cũng có thể phải chật vật với cuộc sống sau này bởi giai đoạn điều trị của họ trùng với thời kỳ phát triển tâm sinh lý và quan hệ xã hội. Prasad nói thêm: “Điều trị UT tại thời điểm này cản trở sự phát triển của các mối quan hệ, thành tích học tập, tham gia vào các hoạt động xã hội”.

“Điều quan trọng là chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm về bộ phận dân số dễ bị tổn thương này thông qua các nghiên cứu lâm sàng, để hỗ trợ họ sống tốt hơn sau khi vượt qua căn bệnh UT”, Prasad hy vọng.

 

(Theo Reuters, CNA)

CHIA SẺ BÀI NÀY
  • tag
BÌNH LUẬN
chuyen muc lam dep
video lam dep