Kênh Phụ Nữ Kênh Phụ Nữ

Trẻ thường xuyên dùng sữa tắm sẽ dậy thì sớm?

KENHPHUNU.COM  | 16:00 , 28/09/2015

Hiện nay, trên thị trường bày bán rất nhiều sản phẩm chăm sóc da cho trẻ với mẫu mã đa dạng, chủng loại phong phú và đều được quảng cáo “không gây kích ứng cho da, an toàn tuyệt đối”. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn nghi ngờ về thành phần chứa trong mỗi chai sữa tắm, nhất là khi gần đây có thông tin: Trẻ dùng thường xuyên sữa tắm sẽ dậy thì sớm?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nỗi e ngại của các bà mẹ

Theo các chuyên gia, có rất nhiều con đường dẫn tới dậy thì sớm ở trẻ:  Rối loạn về mặt sinh dục, bệnh về tuyến giáp; Hoặc do các thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học (tiêu thụ các sản phẩm dư thừa hormone tăng trưởng, ăn đồ nhiều dầu mỡ, lười vận động gây béo phì); Tiếp xúc với phim ảnh người lớn, mỹ phẩm quá sớm… Tuy nhiên, còn một nguyên nhân được nhiều phụ huynh đặt trong “vòng nghi vấn”, đó là xà phòng, sữa tắm nếu dùng thường xuyên sẽ khiến bé dậy thì sớm(!?).

Chỉ cần dạo qua siêu thị sẽ dễ dàng nhận thấy sự phong phú của các thương hiệu sữa tắm dành cho trẻ nhỏ. Hầu hết đều là sản phẩm nhập khẩu hoặc liên doanh với nước ngoài với hình thức và lời quảng cáo rất bắt mắt, “vào tai”. Tuy nhiên, gần đây sau vụ một thương hiệu mỹ phẩm khá nổi tiếng ở nước ngoài bị tố rằng sản phẩm có chứa chất gây ung thư và đẩy nhanh quá trình dậy thì ở trẻ, mặc dù hãng này đã đưa ra bằng chứng các thành phần có trong sản phẩm đều ở giới hạn cho phép, nhưng vẫn làm dấy lên mối lo của các bậc phụ huynh về sự thực ẩn sau vẻ ngoài “thân thiện” của các chai sữa tắm!

Chị Trần Thanh Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, mặc dù thông tin trên là ở nước ngoài nhưng chị vẫn cảm thấy không an tâm mỗi khi tắm cho cô con gái mới sinh của mình bằng sữa tắm. Chị băn khoăn, liệu những sản phẩm này có thực sự an toàn hay không?  “Nếu sữa tắm, khăn ướt nào có vẻ không hợp với da bé là tôi dừng ngay. Nhưng sợ nhất là những hậu quả mà bây giờ chưa nhìn thấy”. Còn chị Hà Liên Hương  (ở Long Biên, Hà Nội) cho biết, dù con gái đã  gần ba tuổi nhưng chị vẫn duy trì tắm cho cháu bằng các hương liệu chiết xuất từ thiên nhiên như: Chanh, mướp đắng, lá sài đất, chè xanh, kinh giới… và chỉ dùng sữa tắm 2- 3 lần/ tuần.

Trong một cuộc điều tra mới đây của Đại học Washington (Mỹ): 15 hóa chất gây độc hại đã được công bố và hầu hết có trong thực phẩm, dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp mà chị em phụ nữ sử dụng mỗi ngày. Trong số các chất này, estrogen gây rối loạn nội tiết, dẫn tới dậy thì sớm ở bé gái và tăng nguy cơ mãn kinh sớm, suy giảm chức năng buồng trứng ở người trưởng thành.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang gấp rút chuẩn bị báo cáo, hoàn chỉnh kết luận cuối cùng về độ an toàn của Triclosan - thành phần diệt khuẩn có trong hầu hết các sản phẩm liên quan mật thiết tới mỗi hộ gia đình như: Xà phòng dạng lỏng, thuốc đánh răng, sản phẩm tẩy rửa gia dụng, đồ chơi trẻ em v.v… Triclosan được biết đến rộng rãi với đặc tính kháng khuẩn, xuất hiện ở các bệnh viện từ thập niên 70 - thế kỷ trước và trở thành đề tài gây tranh cãi những năm qua.

Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Seoul (Hàn Quốc), 0,3% Triclosan (liều lượng tối đa được sử dụng trong mỗi chai dung dịch xà phòng) không hề có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn hơn xà phòng thông thường, lại gây nhiều tác dụng phụ, bao gồm dị ứng, tạp chất gây ung thư, tăng nguy cơ vô sinh, dậy thì sớm và  rối loạn hormone…

Một tuần nên cho trẻ “tắm chay” 3 -4 lần

BS Nguyễn Lê Hiếu – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: Cho đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có công trình nghiên cứu hoặc tài liệu  nào đã qua kiểm chứng về việc trẻ sử dụng nhiều sữa tắm sẽ dậy thì sớm, cho nên các bà mẹ vẫn có thể yên tâm dùng sữa tắm cho trẻ.

Tuy nhiên, BS Hiếu cũng chia sẻ về tình trạng hiện nay nhiều bà mẹ lạm dụng mỹ phẩm trong việc chăm sóc con, từ sữa tắm, phấn rôm cho tới kem dưỡng da, thậm chí có bà mẹ cho con sử dụng cả son, phấn.  Điều này không tốt đối với trẻ bởi nếu sử dụng mỹ phẩm không đúng sẽ gây ra tác hại khôn lường.

Về bản chất, nhiều sản phẩm sữa tắm mặc dù được quảng cáo chiết xuất từ thiên nhiên, song tất cả đều có những thành phần chính giống nhau là: Nước, các thành phần hóa học như chất tẩy (nồng độ nhiều hay ít tùy mỗi sản phẩm và đối tượng sử dụng), chất tạo bọt, tạo mùi, dầu khoáng, chất bảo quản… Làn da của trẻ rất non nớt, nhạy cảm nên nếu bố mẹ sử dụng cho con quá sớm và thường xuyên thì những chất hóa học này thẩm thấu vào da, có thể gây dị ứng, viêm da cho trẻ.

“Đặc biệt, với những sản phẩm kém chất lượng, giá rẻ, nguồn gốc không rõ ràng, rất nhiều khả năng trong đó bị lẫn các tạp chất như methanol, aldehyde... có thể gây kích thích, tổn thương đường hô hấp khi hít vào, về lâu dài sẽ  ảnh hưởng không tốt cho xoang mũi của bé. Mồ hôi của trẻ em không có nhiều chất bã nhờn. Dù mồ hôi rất nhiều nhưng cơ thể bé không bị chua, hôi như người lớn. Thế nên, các bà mẹ chỉ cần tắm rửa sạch sẽ cho bé bằng nước ấm, có thể vắt vào chậu nước tắm 1-2 quả chanh để da bé thêm sạch, cho trẻ mặc đồ thoáng mát là ổn. Không nên cho con tắm thường xuyên bằng xà phòng hay sữa tắm. Một tuần chỉ nên sử dụng sản phẩm này cho bé 2- 3 lần là đủ”, BS Hiếu khuyến cáo.

Thảo dược tốt khi tắm cho trẻ

Lá kinh giới

Lá kinh giới tươi rửa sạch, giã nát, chắt nước pha vào chậu nước tắm cho bé giúp chữa rôm sảy hiệu quả. Bố mẹ có thể phơi khô lá kinh giới và dùng dần. Mỗi lần tắm cho bé, lấy một nắm lá khô cho vào nồi đun sôi và pha nước tắm.

Mướp đắng

Lấy 1-2 quả mướp đắng, thái nhỏ, xay nhuyễn cùng nước đun sôi để nguội, sau đó lọc bỏ bã để lấy nước hòa vào chậu tắm. Mướp đắng tính mát, lành, mùi thơm nhẹ. Khi tắm cho bé, tinh chất của loại quả này sẽ thẩm thấu vào da làm dịu những vết rôm sảy kích ứng.

Tinh chất dầu tràm

Ngoài tác dụng chống cảm lạnh, tránh gió và tránh ho, tinh dầu tràm còn có tác dụng kháng khuẩn và nấm, ức chế sự phát triển của virus. Dầu tràm sử dụng tốt cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người lớn. Loại dược liệu này còn được chiết xuất thành nhiều chế phẩm dẫn xuất dưới dạng xông mũi, dung dịch vệ sinh phụ nữ…

Phạm Thu Hằng/Báo Gia đình & Xã hội

Nguồn: gia dinh

CHIA SẺ BÀI NÀY
  • tag
BÌNH LUẬN
chuyen muc lam dep
video lam dep